BVCL - Chiều 30/11, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Công thương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Tại buổi họp báo định kỳ do Ban tuyên giáo tỉnh tổ chức, ông Huỳnh Sỹ chuyên viên phòng quản lý thương mại Sở Công thương cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã xây dựng các kế hoạch để ổn định thị trường hàng hóa, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Cụ thể là dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và Kế hoạch bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu, phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa phục vụ nhân dân huyện Phú Quý; Đồng thời, chủ động triển khai đến các đơn vị tham gia kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết để đảm bảo giá bán các mặt hàng bình ổn phải thấp hơn từ 05-10% so với giá thị trường.
Theo đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường gồm: Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận, Siêu thị Co.opmart Phan Thiết, Siêu thị Co.opmart La Gi, Siêu thị Co.opmart Phan Rí Cửa, Công ty Cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan, Trung tâm Dịch vụ miền núi… Tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường khoảng 357,16 tỷ đồng.
Dịp này, Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND huyện Phú Quý xây dựng Kế hoạch bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu, phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa phục vụ nhân dân huyện Phú Quý. Dựa vào nhu cầu tiêu dùng của người dân, thực tế quy mô của cửa hàng, đại lý kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn huyện, số lượng hàng hóa tham gia phương án dự trữ chiếm khoảng 60 - 70% so với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, UBND huyện Phú Quý cũng chủ động khuyến khích, vận động dự trữ trong dân sao cho đảm bảo chiếm 30 - 40% lượng hàng hóa thiết yếu theo nhu cầu tại địa phương.
Đối với mặt hàng quan trọng như thịt heo, Sở Công thương sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành và địa phương căn cứ lượng heo dự kiến xuất chuồng theo kế hoạch của các đơn vị chăn nuôi để cân đối số lượng, ưu tiên xuất bán cho các đơn vị thu mua heo thịt của các hộ chăn nuôi tham gia bình ổn thị trường đảm bảo đầy đủ, kịp thời.
Còn đối với mặt hàng xăng dầu, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về việc điều hành thị trường xăng dầu, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân; Kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công thương những vướng mắc phát sinh để xử lý theo quy định…