Bình Thuận: Đất đang sản xuất muối thì bị cấp giấy chứng nhận cho người khác

Thang Sang| 15/06/2022 13:49

Theo phản ánh của bà Tư, đất gia đình bà đang dùng vào mục đích sản xuất muối thì bị cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận sử dụng cho người khác. Nhiều năm qua bà đã khiếu kiện vụ việc để đòi quyền lợi, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chờ tái sản xuất thì bị cấp GCN cho người khác

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Tư (sinh năm 1938, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), bà là người được thừa hưởng quyền sử dụng đất khoảng 6.000m2 thuộc thửa 79, tờ bản đồ số 6A, thôn Cây Găng, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận có nguồn gốc do cha mẹ để lại từ năm 1957. Từ đó, gia đình bà sử dụng vào mục đích sản xuất muối.

Sau 1975, gia đình bà vẫn quản lý, sử dụng ổn định. Năm 2009, khi Nhà nước có chủ trương đo đạc làm cơ sở cấp GCNQSDĐ, bà đi chỉ ranh mốc thì phát hiện diện tích đất của mình đã được cấp cho ông Hồ Hữu Hùng (Tổ 6, thôn Thạnh Mỹ, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Nhận thấy quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, bà Tư đã khiếu nại sau đó khởi kiện vụ việc ra TAND tỉnh Bình Thuận. Vụ việc đã được thụ lý giải quyết theo Thông báo số 124/2019/TLST-DS ngày 5/12/2019.

1-1-.jpg
Công văn của UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Hùng bị thất lạc.

Theo đơn trình bày của bà Tư, suốt những năm 1990, bà vẫn sản xuất muối ổn định, bán cho người dân trong vùng. Việc sản xuất muối là nghề truyền thống, theo đặc tính của địa phương là khi thuận lợi thì sản xuất, lúc nước mặn dâng cao thì tạm thời bỏ hoang chờ thuận lợi thì tiếp tục tái sản xuất. Việc này lặp đi lặp lại ai cũng biết và tự hiểu chứ không phải từ bỏ việc sử dụng, quản lý đất. Năm 1993, bà Tư từng ra UBND xã Tân Thành xin đăng ký kê khai đất nhưng chính quyền xã cho biết, đất nằm trong quy hoạch khu bảo tồn Takou nên bà chấp hành.

Năm 2009, Nhà nước có chủ trương đo đạc làm căn cứ cấp GCNQSDĐ cho người dân, bà Tư đi chỉ ranh thì cán bộ địa chính xác định, toàn bộ diện tích khoảng 6.000m2 đã được UBND huyện Hàm Thuận Nam cấp cho ông Hùng theo GCNQSDĐ số T 208229 ngày 13/7/2001.

Theo bà Tư, ngọn nguồn của tranh chấp xuất phát từ việc ông Hồ Hữu Hùng có thời gian sử dụng diện tích đất sát cạnh diện tích đất của bà. Cụ thể, năm 1979 cha đẻ ông Hùng là ông Hồ Hữu Chính có xin khoảng 1.500 m2 để làm ăn sinh sống. Diện tích đất này cách diện tích làm muối của bà Tư chỉ một bờ ruộng. Điều này được bà Hồ Thị Anh (sinh năm 1953, ngụ xã Tân Thành) cũng là em ruột ông Hùng xác nhận: “Đất bà Tư khai hoang sử dụng trước giải phóng, sau đó ông Hùng ở chung nhà với mẹ ruột tôi đến khi ông Hùng sinh đứa con gái thứ 5. Do nhà chật chội không có chỗ ở, cha mẹ tôi mới xin bà Tư cho ít đất ở trên gò để xây nhà sử dụng. Quá trình sử dụng đất ông Hùng cũng có khai hoang, mở rộng thêm đất gần phần đất của bà Tư, sau đó ông Hùng đã đăng ký và được cấp GCNQSDĐ trong đó có luôn phần đất của bà Tư”.

Như vậy, theo trình bày của bà Tư và bà Anh (em ruột ông Hùng, cũng là nhân chứng) thì quá trình sử dụng đất giáp ranh, ông Hùng đã kê khai luôn phần đất của bà Tư. Điều đáng nói, theo quy định, khi có người sử dụng đất giáp ranh thì việc xét cấp GCNQSDĐ phải công khai, ký giáp ranh trước khi cấp cho chủ thể sử dụng đất. Tuy nhiên, trong vụ việc trên, quá trình cấp GCNQSDĐ có dấu hiệu khuất tất.

Cần xét tính minh bạch thời điểm cấp GCN

Theo hồ sơ, GCNQSDĐ số T 208229 do UBND huyện Hàm Thuận Nam cấp ngày 13/7/2001 cho ông Hùng có tổng diện tích 9.288m2 thuộc thửa 79, tờ bản đồ số 6A. Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, TAND tỉnh Bình Thuận có công văn đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam cung cấp toàn bộ hồ sơ cấp GCNQSDĐ của ông Hùng thì được biết hồ sơ đã bị thất lạc.

Theo đó, tại Công văn số 152/UBND-TNMT ngày 6/2/2020, UBND huyện Hàm Thuận Nam trả lời: “Qua truy lục hồ sơ tại chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hàm Thuận Nam, hồ sơ cấp GCNQSDĐ số T 208229 ngày 13/7/2001 cho ông Hồ Hữu Hùng đối với thửa số 79, tờ bản đồ 6A, diện tích 9.288m2 tại thôn Cây Găng, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam đã bị thất lạc”.

Từ căn cứ trên cho thấy, dù năm 2001 ông Hùng được cấp GCNQSDĐ với diện tích với số lô, thửa nêu trên nhưng tính đến năm 2009 ông không sử dụng đất thực tế. Do đó bà Tư không có căn cứ để khiếu nại, ngăn chặn bảo vệ quyền lợi khi bị chiếm đất. Việc cơ quan chức năng cho rằng bà Tư bỏ hoang đất là thiếu căn cứ, vì gia đình bà đang làm nghề muối truyền thống, chờ điều kiện thuận lợi để tái sản xuất. Đó là đặc tính của nghề làm muối bà phải tuân thủ.

2-1-.jpg
Khu ruộng muối mà bà Tư khẳng định nguồn gốc của gia đình bà.

Đến nay bà Tư vẫn khẳng định quyền quản lý, sử dụng 6.000m2 thửa số 79, tờ bản đồ 6A xã Tân Thành. Cơ quan chức năng không có hồ sơ để chứng minh việc ký giáp ranh, xét duyệt công khai nên không thể khẳng định việc cấp GCNQSDĐ số T 208229 ngày 13/7/2001 cho ông Hùng là khách quan, minh bạch và đúng theo Luật Đất đai 1993. Nếu không chứng minh được sự minh bạch, đúng pháp luật thì bà Tư có quyền đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại việc cấp vì có dấu hiệu khuất tất.

Theo đơn bà Tư, gia đình bà có truyền thống cách mạng, vào những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, chính diện tích đất trên gia đình bà sản xuất muối bán đi góp phần nuôi giấu, hỗ trợ cán bộ cách mạng. Bà Tư được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất như một minh chứng bà là chủ thể sử dụng đất duy nhất. Một người có công với cách mạng ngày hòa bình bị mất đất, cuối đời phải vấy vào việc tranh chấp mà không biết khi nào kết thúc, bà chỉ mong, TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử, có cái nhìn công tâm khi phán xét để sớm chấm dứt vụ án vốn dĩ dai dẳng hơn chục năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Đất đang sản xuất muối thì bị cấp giấy chứng nhận cho người khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO