Bình Dương: Giải quyết kịp thời vướng mắc thủ tục đầu tư

Huỳnh Sang| 22/06/2022 06:33

BVCL - Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư tại Việt Nam, nổi bật trong đó có tỉnh Bình Dương. Tỷ lệ đầu tư tăng cao với hơn 5 tỷ USD vốn FDI “rót” vào nước ta trong 2 tháng đầu năm 2022 là tín hiệu tích cực. Điều quan trọng là cần sớm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng, tạo cơ chế đặc thù để giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng thực hiện các thủ tục để rót vốn đầu tư…

1-1-.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc khởi công xây dựng KCN VSIP 3 và VSIP là biểu tượng của sự hợp tác, phát triển giữa Việt Nam – Singapore (Ảnh: Thanh Niên)

Tháo gỡ khó khăn về chính sách

Theo giới chuyên gia, Trung tâm kinh tế phía Nam cần tính toán lại, áp dụng chính sách linh hoạt, phù hợp xu thế, tận dụng tối đa lợi thế vị trí. Bước tiến chiến lược là hình thành những khu chế xuất, khu công nghiệp thành khu kinh tế giá trị gia tăng. Tức là phải có tổ chức, cơ chế cho mọi mặt đời sống xã hội ngay trong các khu, chứ không cứng nhắc khu công nghiệp chỉ là nơi sản xuất, còn tường thành bên ngoài mới là cuộc sống công nhân.

Phát triển theo hướng này thì nên liên kết các khu công nghiệp, khu đô thị, cảng lại với nhau. Tất cả được kết nối, tạo ra vùng sinh thái để có thể phát triển mạnh mẽ thành trung tâm đổi mới, sáng tạo. Đây là động lực cho sự phát triển của cả toàn vùng, thu hút lớn lượng nhà đầu tư trở nên thực tiễn hơn.
Đơn cử như Tập đoàn LEGO khởi công nhà máy mới rộng 44ha tại tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là dự án FDI có số vốn lớn nhất từ Đan Mạch tại Việt Nam cho thấy hiệu quả từ việc triển khai chính sách thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục.

Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ tập trung giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và các vấn đề thực tiễn phát sinh, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN trong nước và nhà đầu tư FDI trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động kinh doanh tại KCN VSIP 3 cũng như các KCN trong tỉnh.

2-1-.jpg
Đơn giản hóa thủ tục, minh bạch thông tin là tiền đề quan trọng để thu hút tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp

Năm tháng đầu năm, tỉnh Bình Dương thu hút trên 2,52 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tỉnh này cũng đã thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 KCN Việt Nam - Singapore 3 (VSIP 3) tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập thuộc huyện Bắc Tân Uyên với quy mô lập quy hoạch 1.000ha; Quy mô lao động 43.000 - 45.000 người. Đây sẽ là KCN sản xuất công nghiệp tập trung đa ngành, ưu tiên khai thác các loại hình công nghiệp công nghệ cao. Đây được xem là mô hình thu hút đầu tư tiêu biểu, nổi bật trong khu vực khi áp dụng cơ chế thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục mà tỉnh Bình Dương đang áp dụng từ nhiều năm nay.

Số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho thấy, cả nước hiện đã thành lập được 335 KCN với tổng diện tích 97,84 nghìn ha, trong đó 260 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 76,10%. Các KCN, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút được 9.784 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 194,69 tỷ USD, vốn thực hiện 109,79 tỷ USD.

Cần khắc phục bất cập về thông tin…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế, cạnh tranh thu giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Do vậy, Việt Nam cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu. Đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, thông tin minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

3-1-.jpg
Dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. (Ảnh: Internet)

Dịch Covid-19 và xung đột thương mại Mỹ - Trung được ví như “chất xúc tác” đẩy nhanh xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác hoặc đưa về trong nước để khai thác lợi thế về chi phí, lao động hay dịch vụ hậu cần. Để tạo cơ sở pháp lý thu hút nhiều hơn nữa tỷ lệ đầu tư, nguồn vốn; Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương, chính sách mới: Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), đã kế thừa và khắc phục những hạn chế của Luật Đầu tư năm 2014 và có nhiều điểm mới tạo động lực cho thu hút FDI vào Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề là làm sao giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn thông tin, kế hoạch để lập chiến lược đầu tư ban đầu là điều không dễ dàng. Hiện nay, rất ít cơ quan chính thống nào có thể trả lời cho doanh nghiệp biết rõ các quy định trước khi họ ra quyết định đầu tư.

Theo thống kê, Khu công nghiệp Hiệp Phước TP.HCM có hơn 300ha đất sạch nhưng vẫn chưa được cho thuê bất kỳ mảnh đất nào do cơ quan chức năng vẫn chưa định được giá thuê đất nên không thể mời gọi nhà đầu tư. Điều này đã kéo dài rất nhiều năm mà vẫn chưa thể giải quyết!?

Mới đây, bên lề Hội thảo bàn về lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu công nghiệp, khu chế xuất, ông Bùi Lê Anh Hiếu - Giám đốc phát triển doanh nghiệp của CTCP Long Hậu cho rằng, bất cập về thiếu thông tin, thủ tục phức tạp buộc nhà đầu tư phải mạo hiểm tự đi thực hiện các thủ tục trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Đây là vấn đề làm giảm sút tỷ lệ thu hút nhà đầu tư, nếu được cải thiện sẽ giúp Việt Nam có những khoản đầu tư lớn hơn, có chất lượng hơn đến với các Khu công nghiệp (KCN). Xét về mặt chuẩn bị sẵn sàng để đón những nhà đầu tư FDI mới như vậy đòi hỏi các địa phương nên công bố thông tin rõ ràng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Giải quyết kịp thời vướng mắc thủ tục đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO