Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trao quà ra viện cho bệnh nhi cấy ốc tai điện tử

Thu Trang | 10/12/2020 19:10

BVCL - Tám trẻ nhỏ khiếm thính bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lựa chọn để cấy ốc tai điện tử. Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tổ chức trao quà ra viện cho 08 gia đình bệnh nhi này để động viên các cháu nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật.

Tại buổi lễ, Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã hỏi thăm và trao những suất quà động viên cho các bệnh nhi và gia đình, giúp các cháu nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật.

1c7a3798.jpg
Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỏi thăm và trao quà cho 8 gia đình 8 bệnh nhi

Theo PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện cho biết: Cấy ốc tai điện tử là phương pháp điều trị điếc bẩm sinh tiên tiến nhất hiện nay với hiệu quả rất cao, trong đó người bệnh sẽ được đặt một thiết bị chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện này vào trong ốc tai, kích thích thần kinh thính giác chuyển thành các xung động thần kinh lên não khiến người bệnh có thể nghe được âm thanh. Phương pháp cấy ốc tai điện tử sẽ mang lại cho các bệnh nhi bị điếc bẩm sinh có cơ hội được nghe rõ, giảm một phần tỷ lệ trẻ bị tàn tật, giảm gánh nặng cho xã hội, đem lại cuộc đời mới cho người bệnh và gia đình của họ.

1c7a3864.jpg
PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng chụp ảnh cùng các bệnh nhi và gia đình

PGS.TS Cao Minh Thành cũng đưa ra lời khuyên những người chăm sóc trẻ cần lưu ý quan sát trẻ ngay từ những tháng đầu đời, bởi ngay từ khi mới sinh ra trẻ đã bắt đầu có tuổi nghe, vì nếu không nghe được trẻ sẽ không nói được. Để phát hiện sớm trẻ nghe kém hay bị điếc bẩm sinh, cha mẹ cần theo dõi những phản ứng của trẻ. Ví dụ như trẻ 5-6 tháng đang ngủ mà gây tiếng động mạnh trẻ không có phản ứng gì hoặc trẻ 7-8 tháng gọi mà không phản ứng, người lớn cần đưa trẻ đi khám ngay.

Chị Nguyễn Thị H, Tam Dương – Vĩnh Phúc - mẹ của bệnh nhi được cấy ốc tai điện tử lần này cho biết, khi con gái được 23 tháng tuổi, chị nhận thấy cháu có biểu hiện nghe kém, không có phản ứng với tiếng gọi của người khác nên đã đưa con đi khám và phát hiện cháu bị khiếm thính bẩm sinh. Gia đình rất cảm ơn Bệnh viện và nhà hảo tâm đã tạo điều kiện hỗ trợ để con gái được cấy ốc tai điện tử, giúp cho cháu có một tương lai tốt đẹp hơn.

130910014_670677496929407_6341926844707363521_n.jpg
Chị Nguyễn Thị H. và con gái là bệnh nhi được cấy ốc tai điện tử

Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều bệnh lý về tai làm suy giảm sức nghe, trong đó 75% trường hợp được chỉ định cấy ốc tai điện tử. Kỹ thuật cấy ốc tai điện tử được chỉ định cho hai nhóm trường hợp. Nhóm trường hợp thứ nhất là nhóm trường hợp điếc trước ngôn ngữ (điếc bẩm sinh); nhóm thứ hai là điếc sau ngôn ngữ (hay gọi là điếc mắc phải). Đối với trường hợp điếc trước ngôn ngữ thời gian phẫu thuật phù hợp là từ 12 – 72 tháng tuổi. Nếu trên độ tuổi này phẫu thuật sẽ ít đem lại hiệu quả. Còn với nhóm điếc sau ngôn ngữ thì chỉ cần đảm bảo trẻ có đủ sức khỏe để thực hiện cuộc phẫu thuật này là có thể thực hiện được cấy ốc tai điện tử.

ttxvn_phau_thuat.jpg
Cấy ốc tai điện tử là phương pháp điều trị điếc bẩm sinh tiên tiến nhất hiện nay với hiệu quả rất cao. Ảnh minh họa

Sau khi cấy ốc tai điện tử, kích hoạt máy và đặt chế độ hoạt động thì chúng ta bắt đầu tính tuổi nghe của trẻ. Trong quá trình học ngôn ngữ cần phải điều chỉnh thiết bị để làm sao ngưỡng nghe của thiết bị gần với ngưỡng nghe của người bình thường. Trẻ phải mất từ 1-2 năm để học làm quen với âm thanh và nhắc lại những âm thanh mà trẻ nghe được. Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển ngôn ngữ của trẻ. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên cùng tham gia lớp học với con để học cách dạy và hướng dẫn bé thực hành tại nhà để trẻ nhanh chóng hồi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trao quà ra viện cho bệnh nhi cấy ốc tai điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO