Y tế

Bảo hiểm Xã hội đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân

Hoài Anh (t/h) 21/02/2024 19:16

Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tạo sự thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách.

Trải qua 29 năm xây dựng và trưởng thành (16/02/1995-16/02/2024), BHXH Việt Nam đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội.

Đáng chú ý, thủ tục hành chính về tham gia và giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT (Bảo hiểm y tế) ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 thủ tục hành chính năm 2009 xuống còn 25 thủ tục hành chính), trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức, cá nhân ở tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ.

Trong năm 2023, BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc…

Ngoài ra, ngành BHXH cũng đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm Xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động. Đến nay, có khoảng 35 triệu người sử dụng ứng dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT; phối hợp với Bộ, ngành và đơn vị liên quan triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân tại 100% cơ sở khám chữa bệnh…

Thực hiện mục tiêu xuyên suốt phát triển BHXH, BHYT theo hướng bao phủ toàn dân, những năm qua, số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng qua các năm và đã tập trung vào nhóm yếu thế. Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững, vượt mục tiêu được Đảng và Chính phủ giao.

Hiện khoảng 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,83 triệu người, đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 305 lần so với năm 2008 - năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện (tăng từ 6 nghìn người lên 1,83 triệu người). Số người tham gia BHTN (Bảo hiểm Thất nghiệp) khoảng 14,7 triệu người, đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng gần 2,5 lần so với năm 2009 - năm đầu tiên thực hiện chính sách BHTN (tăng từ 6 triệu người lên 14,7 triệu người).

Số người tham gia BHYT khoảng hơn 93,3 triệu người, đạt 93,3% dân số, tăng 13,1 lần so với năm 2015 (tăng từ 7,1 triệu người lên 93,3 triệu người), tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tăng, góp phần mở rộng hiệu quả lưới an sinh xã hội.

Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, đảm bảo nguyên tắc đóng-hưởng.

Từ năm 1995 đến hết năm 2023, BHXH Việt Nam đã giải quyết khoảng hơn 144,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Từ năm 2010 đến hết năm 2022, BHXH Việt Nam phối hợp giải quyết gần 9,7 triệu người hưởng các chế độ BHTN. Hiện tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH Việt Nam hằng tháng hơn 3,3 triệu người.

Bên cạnh đó, từ năm 2003 đến 2023, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho trên 2.542,8 triệu lượt người; cùng tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, kịp thời thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở khám chữa bệnh phục vụ người bệnh BHYT.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, việc làm của người dân, người lao động, từ năm 2020 đến năm 2022, ngành BHXH Việt Nam Việt Nam đã chủ động, quyết liệt tham gia cùng các bộ, ngành tham mưu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch.

Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập BHXH trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH Việt Nam ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam gồm 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Từ năm 1995 đến nay, BHXH Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành quả quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm Xã hội đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO