Tòa án với công dân

Báo Công lý có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động của Tòa án

Mạnh Hùng (thực hiện) 23/09/2023 - 13:23

“Báo Công lý có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động xét xử của Tòa án, có ý nghĩa thiết thực, góp phần biểu dương những Thẩm phán, những phiên tòa xét xử thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật và kịp thời phản ánh những bất cập, sai sót để Tòa án điều chỉnh kịp thời…”

Đại tá Phạm Minh Khôi, Chánh án Toà án Quân sự (TAQS) Thủ đô Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên nhân Kỷ niệm 22 năm Ngày thành lập Báo Công lý (25/9/2001 - 25/9/2023).

PV: Thưa Chánh án, là người đứng đầu một đơn vị trong hệ thống Toà án, ông có chia sẻ gì về vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cũng như trong công tác cải cách tư pháp?

Chánh án Phạm Minh Khôi: Thời gian qua, các cơ quan thông tin đại chúng đã thể hiện rõ vai trò xung kích của mình, góp phần quan trọng đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Với chức năng là phương tiện thông tin đại chúng, báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

8a84a9d7-0b7c-4839-a7f7-e782832cc799.jpeg
Đại tá Phạm Phạm Minh Khôi, Chủ toạ phiên tòa xét xử cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cùng các đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản”.

Báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật đến với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, giúp đông đảo cán bộ, chiến sỹ, nhân dân dễ dàng tiếp thu, nắm bắt, tìm hiểu, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật.

Báo chí góp phần phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật và hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật, vào công lý trong mọi tầng lớp Nhân dân. Trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Báo chí còn là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân. Báo chí phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật.

Để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, TANDTC đã yêu cầu các Tòa án chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua Truyền hình Tòa án nhân dân, Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử của TANDTC… nhằm thu hút đông đảo bạn đọc trong và ngoài Tòa án.

Trong công tác cải cách tư pháp, việc thông tin tuyên truyền đầy đủ, chính xác các chủ trương, nhiệm vụ CCTP có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa sự thống nhất về nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; sự hiểu biết của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, tổ chức với chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp, làm cho người dân hiểu CCTP đem lại lợi ích gì cho người dân.

anh-ong-khoi.jpg
Chánh án TAQS Thủ đô Hà Nội Phạm Minh Khôi.

Báo chí phản ánh chính xác, đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, chính sách của Đảng về CCTP và hoạt động tư pháp, phản ánh đa chiều, sinh động, cả những mặt chưa được trong CCTP và hoạt động tư pháp, làm cho dân hiểu và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; mặt khác, thúc đẩy các cơ quan tư pháp, cán bộ có chức danh tư pháp tự chấn chỉnh, uốn nắn mình để cả các cơ quan tư pháp và người dân cùng chấp hành đúng các chủ trương, chính sách pháp luật.

Báo chí nỗ lực, tích cực dành nhiều thời gian tuyên truyền những chủ trương, nhiệm vụ của Đảng trong lĩnh vực CCTP và hoạt động tư pháp đến Đảng viên, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái; lợi dụng xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng ta về nhân quyền; bảo đảm được duy trì thường xuyên, liên tục, thể hiện tính chiến đấu cao với nội dung phong phú, phản ánh ý kiến đa chiều của người dân, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ để các đối tượng này hiểu được CCTP là trụ cột của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Mặt khác, báo chí có vai trò quan trọng trong hoạt động mọi mặt của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan công quyền, trong đó có hệ thống Toà án. Thông qua truyền thông, công chúng sẽ biết được về các hoạt động của hệ thống Toà án, hiểu biết về quá trình đi đến các quyết định pháp lý, để từ đó tôn trọng, tâm phục, khẩu phục đối với mỗi phán quyết của Tòa án, tạo ra niềm tin vào công lý; cũng như công tác CCTP.

PV: Để việc tuyên truyền pháp luật và CCTP có hiệu quả, đơn vị đã có sự phối hợp, triển khai như thế nào với các cơ quan báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng, thưa Chánh án?

Chánh án Phạm Minh Khôi: Hoạt động xét xử là một lĩnh vực thường xuyên thu hút sự quan tâm của cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân, của dư luận xã hội và báo chí. Ngoài mục tiêu xét xử, giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật, hoạt động xét xử của Tòa án còn góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cũng như CCTP.

Mặt khác, báo chí đóng góp tích cực vào việc phản ánh, giám sát hoạt động của cơ quan công quyền, trong đó có hệ thống Tòa án; sự giám sát của báo chí, trong đó Báo Công lý đối với hoạt động xét xử của Tòa án có ý nghĩa thiết thực, góp phần biểu dương những Thẩm phán, những phiên tòa xét xử thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật, và kịp thời phản ánh những bất cập, sai sót để Tòa án điều chỉnh kịp thời.

Do đó, quan hệ giữa báo chí, trong đó có Báo Công lý và Tòa án là quan hệ hai chiều tương tác với nhau, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và CCTP. Báo chí cần Tòa án tạo điều kiện thuận lợi trong tác nghiệp; cung cấp thông tin về hoạt động của Tòa án, về những vụ án, phiên tòa dư luận quan tâm; tiếp thu, xử lý những vấn đề bất cập, thậm chí tiêu cực mà báo chí phản ánh. Tòa án cũng cần ở báo chí sự hợp tác, phản ánh trung thực, khách quan về hoạt động của Tòa án, để qua đó tuyên truyền, giáo dục pháp luật cải cách tư pháp đạt hiệu quả cao hơn.

chanh-an-taqs-thu-do-ha-noi-pham-minh-khoi-trao-doi-kinh-nghiem-cong-tac-voi-doan-can-bo-taqs-nuoc-chdcnd-lao.jpg
Chánh án TAQS Thủ đô Hà Nội Phạm Minh Khôi trao đổi kinh nghiệm công tác với đoàn cán bộ TAQS nước CHDCND Lào

PV: Chánh án có mong muốn gì đối với các cơ quan báo chí nói chung và Báo Công lý nói riêng trong việc tuyên truyền pháp luật và CCTP trong thời gian tới?

Chánh án Phạm Minh Khôi: Để phát huy hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc phản ánh hoạt động xét xử, phổ biến, giáo dục pháp luật, CCTP, cơ quan báo chí cũng phải phản ánh các hoạt động của Tòa án theo đúng nguyên tắc hoạt động của báo chí là trung thực, khách quan, không định kiến, thiên vị. Khi nêu các vụ việc cụ thể, báo chí cần phải nêu diễn biến chính của vụ việc một cách khách quan, trung thực, lồng ghép việc phân tích, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan, tỏ thái độ định hướng dư luận xã hội để tạo ra sức mạnh chung lên án, đấu tranh với những vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo vệ công lý.

Đồng thời, báo chí cần phải chú ý đến vị trí, chức năng của mình, luôn khách quan và công bằng, tránh biểu hiện sự thiên lệch, cũng không làm thay công việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kết luận vụ việc đúng sai... Tuyên truyền công tác CCTP phải đầy đủ, chính xác , đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHNC Việt Nam trong giai đoạn mới.

PV: Trân trọng cảm ơn Chánh án!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo Công lý có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động của Tòa án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO