Nhân dịp Báo chí Cách mạng Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã có những nhìn nhận và đánh giá về vai trò của báo chí trong đời sống xã hội, đặc biệt là đối với hoạt động của Quốc hội - diễn đàn và tiếng nói của cử tri và nhân dân.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, Đảng ta luôn luôn coi truyền thông đại chúng là phương tiện, vũ khí sắc bén để tuyên truyền, cổ vũ, động viên, tập hợp, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí luôn bám sát định hướng chính trị của Đảng, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các sự kiện trọng đại của đất nước như các kỳ Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội...
Bên cạnh đó, báo chí còn là diễn đàn của nhân dân, luôn bám sát thực tiễn, phản ánh tiến trình vận động của cuộc sống, kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Thông qua báo chí, nhân dân được tự do bày tỏ tâm tư, ý kiến của mình với Đảng, với Nhà nước.
Với ưu thế của mỗi loại hình báo chí, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã đưa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, vào cuộc sống, góp phần nâng cao trình độ nhận thức chính trị cho các tầng lớp nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Báo chí góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Quốc hội
Một trong những nguồn cổ vũ to lớn, góp phần nâng cao vị thế, sức mạnh, uy tín của Quốc hội và HĐND suốt nhiều năm qua là sự đóng góp toàn diện, bền bỉ, sáng tạo của nền báo chí nước nhà. Trong vai trò là “cầu nối” quan trọng, gắn kết mật thiết các cơ quan dân cử với nhân dân và cử tri cả nước, nền báo chí nước nhà ngày càng thể hiện xứng đáng là người tuyên truyền tập thể, cổ vũ tập thể, tổ chức tập thể, đồng thời là một kênh phản biện đầy trí tuệ và trách nhiệm với đất nước.
Hệ thống báo chí và truyền thông nước nhà đã chủ động tuyên truyền, cổ động một cách toàn diện, kịp thời, góp phần tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng được Quốc hội, HĐND thể chế hóa bằng những quyết sách và các phong trào hành động khắp toàn quốc; đồng thời, đã phản ánh chân thực, sinh động tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các ngành, các giới, của cử tri, nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài tới diễn đàn Quốc hội, HĐND.
Đồng thời, báo chí cũng là một kênh quan trọng, tin cậy để cử tri giám sát các cơ quan dân cử, các vị đại biểu dân cử. Các cơ quan báo chí, các thế hệ phóng viên, biên tập viên luôn đồng hành, dấn thân với hoạt động của Quốc hội, HĐND không chỉ bằng trách nhiệm mà còn với tình cảm gắn bó, nhiệt huyết, niềm đam mê sáng tạo; qua đó, tiến bộ không ngừng và trưởng thành một cách toàn diện hơn.
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam): Báo chí rất tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng
Báo chí cách mạng nước nhà luôn là lực lượng xung kích trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp lớn lao vào các cuộc kháng chiến, kiến quốc trường kỳ và vĩ đại của dân tộc. Báo chí nước nhà đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới.
Trong những năm qua, các cơ quan báo chí đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, các phương tiện thông tin đại chúng đã tập trung nêu bật những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đặc biệt, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác tuyên truyền về những hoạt động Quốc hội đến với cử tri và nhân dân cả nước suốt nhiều năm qua.
Trong vai trò là “cầu nối” quan trọng, gắn kết mật thiết các cơ quan dân cử với nhân dân và cử tri cả nước, các cơ quan báo chí ngày càng thể hiện xứng đáng là một kênh phản biện đầy trí tuệ và trách nhiệm với đất nước, chủ động tuyên truyền, cổ động một cách toàn diện, kịp thời, góp phần tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, được Quốc hội thể chế hóa thông qua các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời, đã phản ánh chân thực, sinh động tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân trong và ngoài nước tới diễn đàn Quốc hội; là một kênh quan trọng, tin cậy để cử tri giám sát các cơ quan dân cử, các vị đại biểu dân cử.
Để phát huy vai trò là kênh thông tin đáng tin cậy, là lực lượng quan trọng không thể thiếu trong công tác tuyên truyền, cũng như các nội dung đáp ứng yêu cầu của bạn đọc và các nhà hoạch định chính sách, báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền.
Các cơ quan báo chí cần quan tâm đầu tư bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có đủ năng lực, kiến thức, có trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ vững vàng theo dõi và tác nghiệp báo chí về các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; kịp thời đề ra những giải pháp, để tổ chức nội dung này thành mảng đề tài chính, có sức thu hút, hấp dẫn đối với công chúng, luôn giữ vị trí là kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy, đi trước truyền thông mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh): Báo chí đã bám sát, phản ánh thực tiễn đời sống
Phải nói rằng thời gian vừa qua, báo chí nói chung rất năng động, bám sát nghị trường để nắm bắt tình hình và phản ánh ý kiến cử tri. Đồng thời, từ nghị trường phản ánh để cử tri theo dõi được tình hình thực hiện kiến nghị đã được đại biểu phản ánh.
Đây là điểm son rất đẹp của báo chí trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, còn phản ánh thực tiễn đời sống để khi Quốc hội ban hành luật pháp bám sát thực tiễn hơn.
Để truyền thông tốt hơn nữa hoạt động của Quốc hội nói riêng và các cơ quan nói chung, các cơ quan báo chí cần đầu tư phương tiện tác nghiệp, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên có đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, chính trị tham gia hoạt động báo chí tại nghị trường Quốc hội.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Báo chí có vai trò quan trọng trong các hoạt động của Quốc hội
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Chính vì thế khi báo chí tham gia vào hoạt động của Quốc hội, cũng đồng thời vừa phản ánh những nguyện vọng và ý chí của nhân dân, giúp nhân dân, cử tri biết được mong muốn, nguyện vọng của mình được tiếp thu như thế nào, thể hiện ra sao trong phiên họp, phiên chất vấn, tranh luận, và các hoạt động khác nhau của Quốc hội.
Từ các thông tin này giúp cho người dân có thêm niềm tin vào các hoạt động của cơ quan đại diện cho quyền lợi của mình, ý chí và nguyện vọng của mình; giúp củng cố niềm tin, giữ vững tinh thần, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
Không chỉ đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí còn có một vai trò hết sức quan trọng khác để bảo vệ đất nước từ sớm từ xa. Việc có đầy đủ thông tin là rất quan trọng để cho chúng ta có được sự tự tin, bản lĩnh và cả niềm tự hào về những thành tựu, kết quả mà chúng ta đã phấn đấu, đã cố gắng, đã đạt được. Những thông tin tích cực chính thống từ báo chí, giúp cho chúng ta có được tâm trạng tốt, tinh thần tích cực đó.