Anh tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

T. Trang - T/h | 18/02/2022 18:24

BVCL - Chính phủ Anh cho biết trẻ em từ 5-11 tuổi ở vùng England sẽ được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 liều thấp, sau khi Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn của Chính phủ Anh, đưa ra khuyến nghị trên vào ngày 15/2. Trước đó, chỉ những trẻ em ở nhóm tuổi này mắc bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc COVID-19 mới đủ điều kiện tiêm chủng ở vùng England.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho hay việc triển khai sẽ "không khẩn cấp" và dựa trên quyết định của các bậc phụ huynh. Xứ Wales và Scotland đã đưa ra quyết định trên ngay sau khuyến nghị của JCVI trong khi Bắc Ireland ngày 16/2 cũng tuyên bố sẽ tiêm vaccine cho trẻ em ở độ tuổi từ 5-11.

Tổng cộng sẽ có khoảng 6 triệu trẻ em trong nhóm tuổi này ở Anh được tiêm 2 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech với liều lượng 10 microgram, nếu nhận được sự đồng ý từ cha mẹ. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm ít nhất là 12 tuần.

skynews-vaccine-children-covid-195569683-1645167730436538510220.jpg
Ảnh: Skynews

Do trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19 thấp hơn nhiều, lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ thấp hơn so với các nhóm tuổi khác. Vì vậy, các nhà khoa học tại JCVI đã cân nhắc bằng chứng về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi. Ủy ban này kết luận nên tiêm vaccine cho nhóm tuổi này để ngăn chặn "một số lượng rất nhỏ trẻ em mắc bệnh nghiêm trọng và phải nhập viện" nếu xảy ra làn sóng dịch tương lai. Giáo sư Wei Shen Lim từ JCVI cho biết Ủy ban khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi 5-11 vào thời điểm này để cung cấp khả năng bảo vệ cho nhóm tuổi này trước các làn sóng lây nhiễm trong tương lai.

Theo ước tính của JCVI, cứ 1 triệu trẻ em được tiêm chủng sẽ ngăn ngừa được 98 trường hợp phải nhập viện nếu xảy ra làn sóng dịch với các biến thể nguy hiểm hơn các biến thể trước và 17 trường hợp nhập viện, nếu làn sóng dịch tiếp theo tương đối nhẹ, như biến thể Omicron.

Theo TTXVN, Bộ trưởng Javid cho biết giới chức y tế Anh sẽ mở rộng đề nghị tiêm chủng không khẩn cấp cho tất cả trẻ em vào tháng 4 để các bậc phụ huynh có thể quyết định bảo vệ con em mình khỏi các làn sóng dịch COVID-19 trong tương lai khi đất nước học cách sống chung với virus SARS-CoV-2.

Vaccine ngừa COVID-19, với liều lượng chỉ bằng 1/3 so với người lớn, đã được tiêm rộng rãi cho trẻ em ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mỹ cũng đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 8 triệu trẻ em trong độ tuổi này.

Ttrong nỗ lực nhằm mở cửa trở lại hoàn toàn các trường học sau thời gian dài đóng cửa, Lào sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 6-11, bắt đầu từ tháng 3 tới.

Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng trên, Bộ Y tế Lào đã chỉ đạo các cơ quan y tế cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc bắt đầu thu thập thông tin về trẻ em trong độ tuổi từ 6-11. Trước khi triển khai đại trà trên toàn quốc, từ tháng 1 vừa qua, Bộ Y tế Lào cũng đã tiến hành thành công chương trình tiêm thử nghiệm cho trẻ từ 6-11 tuổi tại tỉnh Phongsaly, Bắc Lào.

Theo Bộ Y tế Lào, việc tiêm cho trẻ từ 6-11 tuổi trên toàn quốc phải được sự đồng ý của các bậc cha mẹ và sẽ bắt đầu tại thủ đô Vientiane, trong khi những tỉnh nào đã sẵn sàng cũng có thể bắt đầu triển khai tiêm ngay. 

Bộ Y tế Lào cho biết việc tiêm chủng cho trẻ từ 6-11 tuổi nằm trong kế hoạch nâng độ bao phủ vaccine ngừa COVID -19 lên ít nhất 80% dân số trong năm 2022 của nước này. Đến nay, Lào đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID cho khoảng 57,8% dân số.

Theo kết quả khảo sát trực tuyến của Trung tâm Virus học lâm sàng thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), hầu hết các phụ huynh tại nước này đều đồng tình với chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Trên trang Facebook cá nhân, Tiến sĩ Yong Poovorawan, Giám đốc Trung tâm trên, cho biết cuộc khảo sát trên được thực hiện trong khoảng thời gian từ 11-13/2 với tổng cộng 1.588 cha, mẹ có con/em trong độ tuổi từ 5-11 tuổi. Những người tham gia khảo sát có nghề nghiệp, thành phần khác nhau, nhưng hầu hết đều sống ở thủ đô Bangkok và các vùng phụ cận. Trong số các phụ huynh tham gia cuộc khảo sát trên, 75% khẳng định sẽ đồng ý cho con/em đi tiêm, trong khi 24% còn lại không đồng ý. Về loại vaccine mong muốn được sử dụng cho con/em của mình, 59% các phụ huynh lựa chọn vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, 30% lựa chọn vaccine của hãng Sinopharm, 5,6% lựa chọn vaccine của Sinovac. Phần lớn những phụ huynh không muốn con mình tiêm vaccine là vì lo ngại trước các tác dụng phụ.

Nhật Bản cũng đang tích cực chuẩn bị để triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 7,158 triệu trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 5-11 vào đầu tháng 3/2022.

Vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ khác với loại vaccine được sử dụng để tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên về liều lượng, thời hạn bảo quản và khoảng cách giữa hai mũi tiêm (tối thiểu 3 tuần). 

Trước đó, vào cuối tháng 1, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi sau khi một nhóm chuyên gia của MHLW kết luận không có bất cứ vấn đề nào về hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng vaccine này cho trẻ nhỏ trong độ tuổi trên. Theo nhật báo Asahi, vẫn chưa có đủ dữ liệu chứng minh hiệu quả bảo vệ trẻ nhỏ của vaccine của Pfizer trước biến thể Omicron. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế quan ngại rằng nếu số lượng ca mắc mới tiếp tục tăng, tỉ lệ nhiễm bệnh trong số các trẻ chưa tiêm vaccine sẽ tăng, dẫn tới sự gia tăng về số ca bệnh nặng trong các đối tượng này.

Hồi đầu tháng 2, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Thái Lan (FDA) thông báo đã phê chuẩn tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng sản xuất dược phẩm Trung Quốc Sinovac và Sinopharm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng cường "lá chắn" phòng chống COVID-19.

Trước đó, FDA Thái Lan chỉ mới cấp phép tiêm vaccine của các hãng trên cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, vào tháng 12/202, cơ quan này cũng đã "bật đèn xanh" cho phép tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Theo Tiến sĩ Abraar Karan, một chuyên gia vật lý về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford, hầu hết trẻ em mắc COVID-19 hoặc tiêm vaccine gần đây có đủ miễn dịch để bảo vệ mình khỏi virus trong nhiều tuần hoặc lâu hơn và việc kết hợp của vaccine và việc mắc COVID-19 tạo kháng thể mạnh hơn. 

Bà Seema Lakdawala, trợ giảng tại Đại học Y Pittsburgh chuyên về virus hô hấp, cũng cho rằng nhìn chung, việc mới nhiễm và tiêm vaccine sẽ giảm bớt nguy cơ mắc COVID-19 và đeo khẩu trang không tạo thêm những lợi ích đáng kể. Trong khi đó, Tiến sĩ Emily Landon, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và trưởng bộ môn dịch tễ học tại Đại học Y Chicago, cho biết đối với trẻ em đã được tiêm phòng và đã bình phục sau mắc COVID-19 thì việc có đeo khẩu trang hay không là tùy phụ huynh và trẻ quyết định, tuy nhiên điều này sẽ thay đổi nếu xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Các bác sĩ và chuyên gia nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ trẻ ở độ tuổi đi học trước COVID-19 là tiêm phòng. Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tại Israel đã phát hiện rằng trẻ được tiêm phòng giảm 50% nguy cơ mắc COVID-19 so với những bạn đồng trang lứa không tiêm. Nhưng khả năng bảo vệ của vaccine không kéo dài. Sau khoảng 5 tháng, tỉ lệ nhiễm là ngang nhau ở hai nhóm này. Vì vậy, rất cần chiến lược đa tầng nhằm bảo vệ trẻ nhỏ khỏi COVID-19.

Chuyên gia Lakdawala đã ví khẩu trang là "tấm khiên" bảo vệ ta khỏi tiếp xúc với virus, trong khi các biện pháp khác như đảm bảo thông khí trong phòng và lọc sạch không khí là "vũ khí" để chống lại virus. Bà gợi ý nên mở cửa phòng học, dùng máy lọc không khí. Giáo viên đeo khẩu trang cũng giúp giảm nguy cơ lây truyền virus trong lớp học. Một nghiên cứu tại Đức hồi tháng 12/2021 cho biết giáo viên đeo khẩu trang ở trường là một chiến lược hiệu quả hơn so với việc yêu cầu học sinh đeo khẩu trang.

Theo baochinhphu.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Anh tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO