5 bài học rút ra từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Nguyễn Lâm| 05/11/2021 18:15

BVCL - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng cần có sự kết nối đồng bộ giữa các loại hình giao thông, sớm hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch để phát huy hiệu quả tối đa của Dự án.

Tại buổi họp báo về kế hoạch chuyển giao khai thác giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chiều 04/11, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã chỉ ra 5 bài học cần rút kinh nghiệm sau hơn 10 năm thực hiện dự án.

Theo Thứ trưởng, bài học đầu tiên là chúng ta cần thừa nhận rằng về tiêu chuẩn đường sắt đô thị hiện nay Việt Nam cơ bản chưa có. Bộ GTVT mới ban hành một số quy định về tiêu chuẩn, quản lý khai thác, còn tiêu chuẩn thiết kế, thiết bị thì chưa có. Do vậy, trong quá trình thực hiện chỉ mới áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam đã  có như tiêu chuẩn về bê tông, xi măng. Còn lại các tiêu chuẩn Việt Nam chưa có vẫn áp dụng theo tiêu chuẩn Trung Quốc.

253774979_259812139435541_1098642120979021374_n.jpg
Chiều 04/11, Bộ GTVT tổ chức họp báo về kế hoạch chuyển giao khai thác giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Thứ hai, hệ thống tiêu chuẩn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là một bài học. Ngay tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng chưa thật đồng bộ, từ khi triển khai dự án chưa có tiêu chuẩn khai thác. Vì thế, trong quá trình thực hiện chúng ta phải tiếp cận nên sau này phải cập nhật thêm. Đây là bài học rút ra để sau này thực hiện các dự án tương tự sẽ đồng bộ, nhanh và rút ngắn thời gian hoàn thành.

Thứ ba là bài học về giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo ông Đông đối với dự án đường sắt đô thị đi trong nội đô thì GPMB cần phải được tách riêng thành một dự án làm trước. Tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đáng lẽ ra công  tác này phải hoàn thành từ năm 2015, nhưng thực tế lại vướng đến 2017 và kéo theo điều chỉnh thiết kế làm dự án chậm tiến độ. 

“Thực tế nếu có mặt bằng sạch, dự án Cát Linh – Hà Đông thi công xây dựng hoàn thành chỉ trong 3 năm. Khi thực hiện nếu giải quyết được mặt bằng cũng sẽ tách bạch được trách nhiệm của các bên”, ông Đông nói.

Thứ tư, hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng) giữa Việt Nam và thông lệ quốc tế còn có sự khác biệt, Việt Nam cần quy định chi tiết hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế để tránh phát sinh tranh chấp.

“EPC theo thông lệ quốc tế tổng thầu, nhà thầu thiết kế, thi công lắp đặt chạy tàu cho đến khi hoàn thành bàn giao theo kiểu chìa khoá trao tay, nhưng thực tế khi triển khai lại phải duyệt cả kỹ thuật, dự toán… Việc này Bộ  GTVT đang đề  xuất kiến  nghị có điều chỉnh”, ông Đông thông tin.

Cuối cùng là thời gian nghiệm thu kéo dài. Thứ trưởng Đông thừa nhận, dự án rất mới nên phải đối chiếu, các cơ quan đều rất thận trọng, tiêu chuẩn chưa đồng bộ vừa làm vừa cập nhật. Do đây là dự án đầu tiên, thí điểm nên có những cái ta chưa biết, nhiều bài học cần rút ra. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về trách nhiệm các cơ quan, Bộ GTVT đã báo cáo trách nhiệm chung thuộc về chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng thuộc Hà Nội. Bộ sẽ phân tích đánh giá trách nhiệm cụ thể các cơ quan liên quan và xử lý theo quy định.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm; tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác là 35km/h; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút; khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 bài học rút ra từ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO