Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ lịch sử cao cả

Quỳnh Như| 24/07/2022 16:48

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, vì đất nước giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân, vì lợi ích của toàn dân tộc.

Tháng 5/2021, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng “Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Đề án), gồm 21 thành viên do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chỉ đạo là Ban Nội Chính Trung ương.

Đầu tháng 6/2021, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp triển khai Quyết định của Bộ Chính trị. Tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quán triệt: “Đây là Đề án hết sức quan trọng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng như phải đảm bảo phục vụ điều hành đất nước phát triển tốt nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân...”.

cctp3.jpg
Chủ tịch nước và Thường trực Ban Chỉ đạo làm việc với Ban Cán sự Đảng TANDTC

Tháng 7/2021, Ban Chỉ đạo đã tổ chức Phiên họp đầu tiên, thống nhất ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án để phân công nhiệm vụ và xác định lộ trình thực hiện, thành lập Tổ Biên tập xây dựng Đề án để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kiến thức, kinh nghiệm sâu rộng về nhà nước pháp quyền trong cả nước tham gia xây dựng Đề án.

Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức thành công ba cuộc Hội thảo quốc gia, cụ thể: Hội thảo lần thứ nhất, diễn ra tại Hà Nội, ngày 11/12/2021 về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Hội thảo lần thứ 2, tại Đà Nẵng, ngày 17/01/2022 về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” và Hội thảo lần thứ 3, tại TPHCM, ngày 17/3/2022 về “Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo và các buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bất kỳ sự cải cách, đổi mới nào cũng có những rào cản cần phải vượt qua, trong đó rào cản liên quan đến lợi ích cục bộ thường là rất lớn, rất khó khăn. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ lịch sử cao cả, là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị (theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra), vì đất nước giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân, vì lợi ích của toàn dân tộc.

Do đó khi bàn về những chính sách, quan điểm cải cách, đổi mới có ảnh hưởng đến lợi ích cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cần đặt lợi ích đại cục của quốc gia, dân tộc, nhân dân là trên hết; quán triệt sâu sắc quan điểm quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân giao phó.

Mặt khác, chúng ta đặt ra mục tiêu cải cách không chỉ cho nhiệm kỳ này hay nhiệm kỳ sau mà là cho tương lai lâu dài của đất nước. Cải cách, đổi mới bộ máy nhà nước là để phân công lại việc thực thi quyền lực đó một cách hợp lý, hiệu quả hơn, có điều kiện để kiểm soát tốt hơn, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng. Chủ tịch nước lưu ý cần quán triệt tinh thần này trong quá trình xây dựng Đề án, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, với tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ để thống nhất và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã giao.

Ngày 21/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương và Thường trực Tổ Biên tập xây dựng Đề án. Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương đã báo cáo kết quả tiến độ xây dựng Đề án. Theo đó, trong hơn một năm qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức xây dựng, hoàn thành 27 chuyên đề nhánh, tổ chức thành công các hội thảo quốc gia, các tọa đàm chuyên sâu để phục vụ nghiên cứu, tổng hợp xây dựng Đề án bảo đảm toàn diện, thận trọng.

Sau Phiên họp thứ ba (tháng 5/2022), Ban Chỉ đạo đã tổ chức ba hội nghị tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Tổ chức các cuộc làm việc giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương về dự thảo Đề án như: Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng TANDTC, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Đảng đoàn Hội Luật sư Việt Nam, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam. Các buổi làm việc trên đều có tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị trao đổi, lắng nghe các nội dung quan trọng của Đề án.

Thường trực Tổ Biên tập đã tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp để làm sâu sắc hơn các lập luận, phương án về các vấn đề quan trọng, tiếp tục xin ý kiến Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo Đề án. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, định hướng và thông tin kịp thời góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân về các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao không khí trao đổi cởi mở, dân chủ, thẳng thắn; những ý kiến phát biểu, đóng góp tâm huyết của Ban Nội chính Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học. Chủ tịch nước ghi nhận nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của Tổ Biên tập xây dựng Đề án. Chủ tịch nước lưu ý, các tài liệu của Dự thảo Đề án cần làm rõ, nổi bật hơn quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, thể hiện tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991 và bổ sung năm 2011), cũng như các văn kiện của Đại hội Đảng và Hiến pháp 2013.

Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những thành tựu và kinh nghiệm thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia dân tộc, giữ vững định hướng XHCN và phát huy ngày càng tốt hơn dân chủ XHCN.

Về một số nội dung mới được đề cập trong dự thảo Đề án, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần luận giải thuyết phục, lập luận chặt chẽ, rõ ràng, văn phong diễn đạt bảo đảm súc tích, dễ hiểu. Chủ tịch nước cũng yêu cầu văn kiện Đề án được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, công phu, các tài liệu bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ cả về cơ sở pháp lý và cơ sở chính trị.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Tổ Biên tập xây dựng Đề án tiếp thu các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, khẩn trương rà soát, bổ sung hoàn thiện dự thảo Đề án để tiếp tục xin ý kiến tại Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo và trình Bộ Chính trị cho ý kiến trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là nhiệm vụ lịch sử cao cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO