Ươm những “mầm xanh” nơi biên cương Tổ quốc

Thu Trang | 19/02/2021 11:05

BVCL - Rời khỏi Trường mầm non Kéo Sỹ huyện Hà Quảng và Trường mầm non Khuổi Giào huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng, chúng tôi vẫn nhớ như in những gương mặt rạng ngời trong niềm hạnh phúc với nụ cười tươi trên môi, ánh mắt tràn đầy hy vọng của các em nhỏ, dân bản và giáo viên tại vùng đất biên cương này.

Chặng đường san sẻ yêu thương

Vượt qua gần 300km đường trường và hơn 20km đường đèo, chúng tôi đã tới được địa phận xóm Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng. Từ xa, những tiếng đánh vần a…ă…â…b…c… của cô và trò Trường mầm non Kéo Sỹ len lỏi qua các ngọn núi, rừng cây vang vọng đến chuyến xe chở đoàn thiện nguyện của chúng tôi. Xe dừng tại ngôi trường cấp bốn khang trang còn thơm mùi sơn mới, được dân bản ở đây gọi là nơi ươm “mầm xanh” gieo con chữ, hy vọng và tình yêu thương cho các em nhỏ vùng biên cương Tổ quốc.

Đón tiếp chúng tôi không chỉ có cô và trò Trường mầm non Kéo Sỹ mà còn có đại diện chính quyền địa phương, đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn và cả bà con dân bản. Giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, nhìn cô và trò vùng cao hạnh phúc trong niềm vui giản đơn là được học trong lớp học kiên cố, với bàn ghế và đồ dùng học tập mới, nhiều người chúng tôi không giấu được vui mừng, xúc động.

anh-1.jpg
Cô và trò Trường mầm non Kéo Sỹ hạnh phúc trong niềm vui có lớp học mới kiên cố, khang trang, sạch đẹp

Được biết xóm Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt là địa phương vùng biên giới với 110 hộ dân gồm 3 nhóm xóm, 100% dân số là người dân tộc Nùng chủ yếu sống bằng canh tác nông nghiệp, điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Nơi đây được nhiều người biết đến là vùng đất khát, đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt, sản xuất, kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn; trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Suốt nhiều năm nay, người dân xóm Kéo Sỹ luôn mong muốn có một ngôi trường cho các con của mình an tâm học tập. Sau khi Báo Công lý kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm xây dựng được điểm trường khang trang như hiện nay, mong muốn đó của bà con dân bản đã trở thành hiện thực.

Cô Lê Thị Kiều, Hiệu trưởng Trường mầm non Kéo Sỹ tâm sự: Trước đây khi chưa có điểm trường mầm mon, cơ sở vật chất rất thiếu thốn, phải mượn lớp, mượn trường cho các con đi học. Dụng cụ học tập, cơ sở vật chất, trang thiết bị không có, khiến cho việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Điểm Trường mầm non Kéo Sỹ mới không chỉ tạo điều kiện dạy và học cho cô và trò chúng tôi mà còn là một nguồn động viên lớn lao để cô trò nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này tiếp tục bám lớp, bám trường, bám rừng vượt khó, ươm lên những mầm xanh tương lai cho đất nước.

anh-2.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Tổng Biên tập Báo Công lý cùng lãnh đạo Sở GTVT Cao Bằng và đại diện lãnh đạo địa phương trao quà cho cô Lê Thị Kiều, Hiệu trưởng Trường mầm non Kéo Sỹ

Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Tổng Biên tập Báo Công lý cho biết: Xây dựng trường học nơi biên cương là một trong các hoạt động xuyên suốt của Chương trình Xuân biên cương do Báo Công lý chủ trì nhằm chung tay cùng Bộ đội Biên phòng và bà con khu vực biên giới, nơi mỗi người dân là một cột mốc sống giữ đất, giữ rừng, lãnh thổ quốc gia. Không dừng lại ở Điểm trường mầm non Kéo Sỹ, Báo Công lý chủ trì cùng với các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục xây dựng trường học mới khu vực vùng cao biên giới để ươm “mầm xanh” nơi biên cương Tổ quốc.

Chung một mong muốn với người dân xóm Kéo Sỹ, bà con nhân dân xã Cô Ba huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng bao năm nay có một mong ước nhỏ nhoi, đó là con em của mình có điểm trường mới khang trang, kiên cố để theo học cái chữ.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Công lý, xã cô Ba là một trong những xã nghèo nhất cả nước, có 5 anh em dân tộc sinh sống là Tày, Nùng, Mông, Giao và Lô Lô. Đây là xã biên giới giáp với Trung Quốc có đặc thù thời tiết rất khắc nghiệt và điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông, đi nương, làm rẫy. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt đời sống còn thiếu thốn trong đầu tư xây dựng hạ tầng, nên điều kiện học tập của các em nhỏ nơi đây vô cùng vất vả. Trong nhiều năm, phân trường Khuổi Giào chưa có lớp học dành cho trẻ 3-5 tuổi, các bé mầm non phải học nhờ với lớp học tiểu học sơ xài không đảm bảo điều kiện để dạy và học.

Thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con dân bản xã Cô Ba, mặc dù còn nghèo nhưng rất ham cho con đi học chữ. Với mong muốn được sẻ chia, giúp đỡ và tiếp tục sứ mệnh ươm “mầm xanh” nơi biên cương Tổ quốc, Báo Công lý đã vận động các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương và đồn biên phòng trên địa bàn xây dựng cho bà con xã Cô Ba Điểm trường mầm non Khuổi Giào khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện dạy và học tốt hơn cho cô và trò vùng cao biên giới.

Gieo “mầm xanh” nơi biên cương Tổ quốc

Cô Hoàng Thị Tuyến đã gần 10 năm gắn bó với điểm trường Khuổi Giào chia sẻ: “Những ngày đầu lên nhận công tác cũng là năm điểm trưởng mở lớp mẫu giáo đầu tiên. Tại thời đó chưa có lớp học riêng, phải học nhờ lớp tiểu học. Lớp học chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, khuôn viên chung, trường chưa có bếp nấu ăn, học sinh phải về nhà ăn trưa xong mới quay lại học, đường xa nên rất khó khăn cho cô, trò và cả phụ huynh. Vì vậy chất lượng chăm sóc giáo dục chưa được đảm bảo.

anh-3.jpg
Cô Hoàng Thị Tuyến và các học sinh của mình vui như Tết vì có điểm trường mới với khuôn viên riêng và nhiều đồ dùng, trang thiết bị phục vụ giạy và học

Sau khi có phòng học mới kiên cố, sạch đẹp, từ cô đến trò cảm xúc vui như Tết. Cô giáo thì yên tâm công tác hơn vì đã có trường lớp khang trang để giảng dạy và chăm sóc giáo dục các trẻ. Các bậc phụ huynh thì yên tâm đưa con đến lớp. Thậm chí các cháu chưa đến tuổi mẫu giáo, phụ huynh cũng mang con đến gửi cô vì các cháu thích đi học khi thấy có trường mới, lớp mới, khuôn viên khang trang, sạch đẹp và nhiều đồ chơi… Chúng tôi rất cảm ơn các nhà hảo tâm đã giúp đỡ cho điểm trường Khuổi Giào có được một ngôi trường mới an toàn, sạch sẽ để thắp sáng ước mơ được đến lớp, được theo học cái chữ của các em nhỏ vùng cao nơi đây”.

Được tận mắt chứng kiến điểm trường khang trang hơn nơi các bản làng xa xôi vùng biên của Tổ quốc, nhìn ngắm những gương mặt bừng sáng của các em học sinh vùng cao và những ánh mắt đầy hy vọng của thầy cô giáo bám bản, đó là niềm hạnh phúc lớn lao của chúng tôi. Với những ngôi trường mới này, Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo sẽ nỗ lực hết mình mang đến những điều tốt nhất cho học sinh, giúp cho mỗi học sinh trở thành niềm tự hào của xã hội, mỗi thầy cô giáo sẽ là một tấm gương, một ngọn lửa sáng khơi dậy tinh thần khát vọng học tập, vươn lên của các em học sinh ở các bản làng xa xôi vùng biên Tổ quốc.

anh-4.jpg
Với những ngôi trường mới này tương lai của những “mầm xanh” nơi biên cương Tổ quốc được ươm trồng sẽ như ánh nắng xóa đi sương mù nơi vùng cao Tây Bắc

Chúng tôi rời khỏi Cao Bằng trở về Hà Nội khi ánh nắng mặt trời ló dạng, xóa tan màn sương mù dày đặc, sau lưng chúng tôi vang lên những câu hát ngân nga của các em nhỏ ở lớp học mầm non “Hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước, hôm nay mẹ lên nương, một mình em đến lớp…….. Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây, cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay…”. Một ngày mới lại bắt đầu với không gian tràn ngập yêu thương và hy vọng tại Trường mầm non Kéo Sỹ và Khuổi Giào. Với đoàn thiện nguyện chúng tôi, điều quan trọng hơn cả, là những điểm trường mới được xây dựng đã góp phần chắp cánh cho những ước mơ của các em học sinh nơi vùng cao biên giới còn nhiều gian khó. Tương lai của những “mầm xanh” nơi biên cương Tổ quốc được ươm trồng sẽ như ánh nắng xóa đi sương mù nơi vùng cao Tây Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ươm những “mầm xanh” nơi biên cương Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO