Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới vượt mốc 4 triệu

Tào Đạt (T/h)| 08/07/2021 16:56

BVCL - Ngày 7/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong toàn cầu do dịch COVID-19 đã vượt mốc 4 triệu người.

Số liệu từ các trang thống kê uy tín thế giới cho  thấy, số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu ngày 7/7 đã vượt qua dấu mốc 4 triệu người. 

Trong khi đó số ca mắc COVID-19 toàn cầu hiện là gần 186 triệu ca. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, chiếm hơn 18% số ca và hơn 15% số ca tử vong toàn cầu. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc và Brazil đứng thứ 3.

Biến thể Delta đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước và khu vực. Không chỉ có khả năng lây lan nhanh, biến thể này còn nhiến nhiều người trẻ tuổi gặp biến chứng nặng khi mắc COVID-19. 

screen-shot-2021-07-08-at-1-29-24-pm-2929.png
Một phụ nữ ngã quỵ khi mất người thân vì COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: AP

Liên quan tới cuộc chiến chống dịch COVID-19, Bộ Y tế Bỉ đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi, trên cơ sở tự nguyện và được sự cho phép của bố mẹ. Virus SARS-CoV-2 ít gây ra các trường hợp nhiễm bệnh nặng ở thanh thiếu niên nhưng đối tượng này lại là trung gian lây truyền virus. Do đó, cần phải hạn chế tác nhân lây bệnh, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là khi biến thể Delta dễ lây lan hơn. Đó là lý do phải tiêm chủng cho thanh thiếu niên với lợi ích chính là bảo vệ cộng đồng.

Tại Anh, số ca mắc trong tuần này đã lên hơn 30.000 ca, lần đầu tiên kể từ tháng 1, dù chính phủ đang chuẩn bị dỡ tất cả các biện pháp hạn chế còn lại để “giải phóng” người dân từ cuối tháng này.

Nhiều quốc gia khác đã tái áp dụng biện pháp hạn chế, trong lúc chính quyền vội vã tăng tốc tiêm chủng.

Thảm hoạ cũng tiếp tục phơi bày khoảng cách giàu nghèo, khi châu Phi và những góc nghèo khó khác của thế giới mới chỉ khởi động chương trình tiêm phòng. Mỹ và các nước giàu có khác đã cam kết chia sẻ ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho những nước khan hiếm.

Dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng mạnh tại 22 nước khu vực Đông Địa Trung Hải sau một thời gian hạ nhiệt.

Lý do cho việc tăng số ca mắc mới được cho là do các hoạt động đi lại quốc tế gia tăng, người dân lơ là và chiến dịch tiêm chủng vaccine chậm chạp.   

Khu vực này bao gồm Vùng Vịnh, Bắc Phi và các nước châu Á đã ghi nhận hơn 11 triệu ca nhiễm và hơn 220.000 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát vào năm ngoái. Iran chứng kiến những tác động nghiêm trọng nhất của đại dịch.   

Giám đốc khu vực của WHO Ahmed Al-Mandhari cho rằng, làn sóng mới có thể diễn ra vào những tháng mùa hè khi các nước mở cửa biên giới và các hoạt động kinh tế. Bất chấp những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, mức tăng trung bình trên toàn khu vực tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.   

Ngoài các yếu tố trên, biến thể Delta xuất hiện tại 13 trong số 22 nước cũng khiến sự lây lan virus nhanh hơn. Tổ chức Y tế Thế giới hối thúc các nước cải thiện hệ thống chia sẻ dữ liệu để xác định rõ mối nguy hiểm của virus.   

Cần khoảng 500 triệu liều vaccine để tiêm cho ít nhất 40% dân số ở các nước khu vực Đông Địa Trung Hải vào cuối năm 2021. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vẫn còn một khoảng cách xa để thực hiện được mục tiêu này. Thiếu hiểu biết về hiệu quả của vaccine cũng như virus khiến kế hoạch tiêm chủng bị chậm lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới vượt mốc 4 triệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO