Sản xuất, buôn bán thuốc Covid-19 giả: Hành vi đáng lên án, cần xử lý nghiêm

Thu Trang| 06/09/2021 11:49

BVCL - Sản xuất, buôn bán thuốc trị Covid-19 giả không chỉ là một tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 mà còn trái với đạo đức con người. Đây là hành vi không chỉ đáng lên án mà cần phải xử lý triệt để, nghiêm khắc để trừng phạt thích đáng tạo tính răn đe cho xã hội.

Phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán thuốc Covid-19 giả

Ngày 20/8, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. HCM triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa, phòng bệnh COVID-19. Tám người bị triệu tập để làm rõ hành vi liên quan đến đường dây này.

Tại 3 địa điểm, lực lượng chức năng thu giữ hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất. Điều đặc biệt của đường dây này, khu vực sản xuất tân dược giả là… nhà vệ sinh. Nguyên liệu và thuốc thành phẩm được các đối tượng để dưới nền nhà.

thuoc-gia-anh-1.jpg
Đường dây này, khu vực sản xuất tân dược giả là… nhà vệ sinh

Trước đó, ngày 18/8, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện kho thuốc và trang thiết bị y tế không có nguồn gốc, xuất xứ tại một căn nhà trên đường Tô Hiến Thành (Quận 10) do Đặng Thị Hồng Duyên và Đặng Khánh Dư làm chủ, thu giữ 800 bộ test nhanh Covid-19, 460 hộp thuốc tân dược hiệu Salbutant, 700 hộp Efferalgan và nhiều thuốc tân dược, vitamin, viên xông mũi không có hóa đơn chứng từ.

Chiều ngày 31/8, Công an TP Hà Nội cho biết Đội 4 - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP phối hợp cùng Đội quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra đột xuất một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc.

Quá trình làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở là ông T.V.A. (41 tuổi, trú tại tỉnh Hải Dương) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc số thuốc. Ông A. khai nhận bản thân không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuốc "trôi nổi" trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng tùy loại, sau đó, rao bán lại trên mạng với giá gấp đôi.

Mới đây, ngày 03/9, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH TM kỹ thuật xây dựng SH – XY địa chỉ P. An Phú, Tp. Thuận An, tỉnh Bình Dương do bà Gịp Thị Thanh Bình (26 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) làm chủ phát hiện số lượng lớn thuốc đông dược không có hoá đơn chứng từ. Thời điểm kiểm tra, tại kho hàng công ty đang trữ số hàng hóa gồm 10.479 sản phẩm gồm: thuốc đông dược, khẩu trang, đồ bảo hộ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.  

thuoc-gia-anh-2.jpg
Chủ kho hàng khai nhận số hàng hóa là thuốc đông y có công dụng điều trị COVID-19 cho F0 thể nhẹ, được người này mua qua online từ tháng 5/2021

Theo trung tá Nguyễn Thành Trung - phó đội trưởng Đội 4 - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hà Nội, hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số người đã nhập lậu các mặt hàng y tế không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị đối với COVID-19. Việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả thông thường cũng đã là hành vi trái pháp luật, vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Nghiêm trọng hơn, khi đối tượng hàng hoá bị làm giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh sẽ được sử dụng trực tiếp bằng cách uống, bôi hoặc đưa vào cơ thể bằng tiêm, truyền. Có những loại thuốc làm giả nghĩa là thuốc không có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng có những loại thuốc làm giả còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của người sử dụng. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này, tránh 'tiền mất, tật mang'.

Chế tài nào cho việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19 giả

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Huy, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích. Theo quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 6 Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả là hành vi bị nghiêm cấm.

Về chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh tuỳ theo mức độ, tính chất mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

anh-3-.jpg
Luật sư Nguyễn Đào Tơ, Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

“Với tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn không đến mức phải xử lý hình sự, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 98/2020 do Chính Phủ ban hành ngày 26/08/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt quy định tại hai Điều này đối với hành vi nêu trên là từ 2.000.000 đồng cho đến 140.000.000 đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10.000.000 đồng cho đến 200.000.000 đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc). Với tổ chức vi phạm quy định tương tự thì mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền theo các quy định trên”- luật sư Nguyễn Đào Tơ thông tin.

Đối với các hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Riêng đối với tội danh này cũng quy định phần chế tài riêng cho cá nhân và pháp nhân.

Cá nhân phạm tội tuỳ theo các tình tiết định tội, định khung như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; Giá trị của hàng hoá tính theo giá bán; Giá trị hàng hoá tính theo giá trị của hàng thật; Tỷ lệ thương tật gây ra cho người khác nếu có; Có gây ra chết người hay không,... mà có thể phải đối mặt mức án từ 02 năm tù giam đến 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình.

Pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng cho đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ vĩnh viễn...

Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa trị Covid-19, đây là không chỉ là tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015 mà còn trái với đạo đức con người, đáng bị lên án và xử lý thật nghiêm, luật sư Tơ nhấn mạnh.

Trong khi cả nước đang gồng mình từng phút từng giây để chống chọi với đại dịch Covid-19, đã có hàng nghìn người tử vong và còn nhiều người khác cũng đang đứng trên bờ vực của sinh tử, thế nhưng vẫn có các cá nhân, tổ chức nhẫn tâm lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bằng cách sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa trị Covid-19. Đây là hành vi không thể chấp nhận, không chỉ trái với đạo đức con người mà còn vi phạm pháp luật.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để và có chế tài thật sự nghiêm khắc để trừng trị thích đáng tạo tính răn đe cho xã hội, không để sự việc tương tự tiếp tục diễn ra.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất, buôn bán thuốc Covid-19 giả: Hành vi đáng lên án, cần xử lý nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO