Phòng, chống Covid-19: Hãy tỉnh táo trước thực trạng tin giả!

Quách Chữ| 15/09/2021 18:04

BVCL - Thời gian gần đây, tình trạng tin giả (fake news) xuất hiện ngày càng nhiều, việc này đã gây ảnh hưởng không ít đến công tác phòng chống dịch Covid-19, thậm chí không ít người dân đã sập bẫy, tiền mất tật mang. Bộ Công an đã khuyến cáo người dân, khi tiếp cận thông tin cần tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo.

anh-2.png
Cơ quan chức năng làm việc, lập biên bản với chủ tài khoản facebook đăng tin sai sự thật.

Liên tiếp xử lý các đối tượng đưa tin sai sự thật

Trước tình trạng fake news xuất hiện ngày càng nhiều gây ảnh hưởng không ít đến công tác phòng chống dịch COVID-19, thậm chí không ít người dân sập bẫy, mất tiền vì tin giả.

Mới đây, ngày 10/9 theo Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cho biết, trên một số hội, nhóm riêng tư thuộc nền tảng mạng xã hội Facebook và Zalo đã lan truyền thông tin được cho là nội dung cuộc họp chiều 9/9, về công tác phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố.

Lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông khẳng định, đây là thông tin giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Đối tượng lợi dụng thông tin để đánh lừa người đọc do tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay phức tạp, các Ban chỉ đạo chống dịch đều tổ chức các cuộc họp hàng ngày để đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp phòng chống dịch tại địa phương. Sau đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc rà quét các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin trên để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, một cô gái ở thành phố Cần Thơ cũng đã thường xuyên chia sẻ, đăng thông tin sai sự thật về "Giun đất (địa Long) trị được bệnh COVID-19. Những thông tin này đã gây hoang mang trong dư luận. Sau đó, cô gái này đã bị các cơ quan chức năng mời lên làm việc. Tại buổi làm việc, cô gái này đã thừa nhận việc cung cấp, chia sẻ thông tin trên là sai sự thật, đồng thời tự gỡ bỏ bài viết và cam kết không tái phạm. Cơ quan chức năng đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hay trường hợp, hàng ngàn viên thuốc điều trị COVID- 19 có nhãn mác của Nga, không có hóa đơn chứng từ vừa được Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện, thu giữ. Các đối tượng trong vụ án là nữ shipper Vũ Thị H, SN 1991và Mai Đức T, SN1993, cùng ở Hà Nội. Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã khai nhận, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, tâm lý người dân muốn mua các loại thuốc phòng, điều trị bệnh COVID-19, các đối tượng đã mua thu gom thuốc từ các nguồn trên mạng rồi thông qua trang Facebook cá nhân để quảng cáo và giao dịch bán kiếm lời. Chỉ với 1.000 viên thuốc điều trị COVID-19 lậu nói trên, nếu bán trót lọt đối tượng đã có thể thu lợi khoảng 100 triệu đồng.

anh-3.png
Phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc

Nhân biết tin giả, tin thật

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, từ năm 2020 đến nay, Công an cả nước đã triệu tập, đấu tranh với hàng nghìn người, khởi tố xử lý hình sự, xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm trường hợp với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng vì phát tán tin giả.

Mạng xã hội là môi trường thuận lợi cho fake news lan rộng trong bối cảnh nhiều người coi đây là nguồn thông tin chính. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, những từ khóa được tìm kiếm nhiều trên mạng xã hội thường trùng với các sự kiện nóng.

Trong khi đó, tỷ lệ người dân hiểu về truyền thông chưa cao, đa phần dễ tin vào những điều mình đọc được. Họ thiếu kiên nhẫn trong tiếp nhận, tìm hiểu thông tin trước khi chia sẻ và đây là một trong những yếu tố cơ bản trong việc hình thành, lan truyền tin giả.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn có tâm lý cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo, không phải chịu trách nhiệm nên có thể tự do phát ngôn. Số khác lan truyền fake news vì tin tưởng những điều bạn bè đăng tải, chia sẻ mà không nghĩ đến việc xác thực lại trên báo chí hoặc các nguồn chính thống.

Động cơ của các đối tượng sản xuất loại tin tức giả chủ yếu vì mục đích tài chính, chính trị hay hạ uy tín của cá nhân, tổ chức hoặc đơn giản để được tăng tương tác trên mạng, những hệ quả tin giả gây ra đã ảnh hưởng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau của xã hội, trong đó có những hệ quả nghiêm trọng.

Bộ Công an cho biết, hiện trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều trang mạng, tài khoản đăng tải thông tin giả. Do đó, khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo.

anh-4(1).jpeg
Nhiều tin giả liên quan tới công tác phòng, chống Covid-19

Ngoài ra, người dân có thể kiểm chứng cơ sở nguồn tin bằng cách kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin; thường nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org…). Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia “.vn” và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang. Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh).

Bộ Công an đề nghị người dân kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Tìm các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

“Khi đăng tải, chia sẻ thông tin từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; không thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật…” - Bộ Công an khuyến cáo và đề nghị người dân đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội.

Công văn số 45/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về xét xử tội phạm liên quan phòng, chống dịch COVID quy định: “Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288”.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống Covid-19: Hãy tỉnh táo trước thực trạng tin giả!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO