Nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử, vượt “bão Covid-19”

Thu Trang | 01/06/2021 08:20

BVCL - Dịch bệnh Covid-19 khiến các giao dịch thương mại truyền thống bị tắc nghẽn, việc tiêu thụ nông sản Việt vốn đã khó khăn, trong khủng hoảng đại dịch lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, từ khi nông sản Việt bước lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã “hé lộ" ra nhiều điểm sáng cho thị trường nông sản vượt “bão Covid-19”.

Nhiều mặt hàng nông sản lên sàn TMĐT

Công nghệ đang là một giải pháp hữu ích để kết nối cung-cầu trên thị trường. Ứng dụng TMĐT đang là xu hướng tất yếu trên quy mô toàn cầu. Là quốc gia có tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu đạt trên 200 tỷ USD, đặc biệt là hàng nông sản và thị trường trên 90 triệu dân thì Việt Nam không thể bỏ qua con đường này. Nhất là trong bối cảnh dịch bênh Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến các giao dịch thương mại truyền thống thì sàn TMĐT mở ra hướng đi sáng hơn cho nông sản Việt Nam.

anh-1(1).jpg
Sàn TMĐT mở ra hướng đi sáng hơn cho nông sản Việt Nam

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, nhận định, việc chuyển đổi số, đưa các mặt hàng nông sản Việt Nam lên sàn TMĐT đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Trong giai đoạn 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi này diễn ra mạnh mẽ hơn và thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Mới đây, để kịp thời hỗ trợ nông dân Lục Ngạn (Bắc Giang) tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19 đang rất phức tạp trên địa bàn, Trung tâm Tình nguyện quốc gia và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phát động chiến dịch “Đồng hành online - Bán vải Bắc Giang”, bắt đầu giao hàng từ 1/6. Chương trình được thực hiện trên nền tảng bán hàng Cuccu.vn với sự phối hợp của Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn. Mục tiêu của chiến dịch là giúp Bắc Giang tiêu thụ 100 tấn vải trong tháng 6 này.

1-5864-1620975397.jpg
Hải Dương đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử

Trước đó, đặc sản vải thiều Thanh Hà, Hải Dương cũng bắt đầu được đưa lên sàn TMĐT Lazada từ ngày 14/5 để bán cho người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM. Và gần đây, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã hỗ trợ tỉnh Sơn La đưa đặc sản mận hậu và xoài lên sàn Shopee bắt đầu từ ngày 28/5. Còn tại huyện Yên Châu (Sơn La), chiều 28/5, UBND tỉnh Sơn La đã ký với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, các sàn TMĐT Postmart, Shopee Việt Nam khu vực phía Bắc về việc hỗ trợ đưa các đặc sản trái cây lên sàn và livestream bán hàng trực tuyến.

Và không chỉ vải thiều, xoài, mận… nhiều sản phẩm nông sản Việt khác cũng bắt đầu được chuyển từ kênh bán hàng truyền thống sang kênh trực tuyến góp phần giúp cho giao dịch mua - bán các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng được thuận lợi, nhanh chóng hơn. Không chỉ là lời giải hữu hiệu cho việc tiêu thụ nông sản, sàn TMĐT đang là chiếc “phao cứu sinh” cho nông sản Việt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn hoành hành phức tạp.

Từ "giải cứu" đến hướng đi dài hơi

Hiện nay, nhiều sản phẩm nông sản được chào bán trên các sàn TMĐT, nhất là các đặc sản của nhiều vùng miền trong cả nước, như: Chè Thái Nguyên, long nhãn Hưng Yên, gạo Séng Cù Yên Bái, nước mắm Phú Quốc, mật ong rừng Lào Cai, tương ớt Mường Khương, chả mực Hạ Long, mực một nắng Cô Tô, Tiên Yên...

anh-3(1).jpg
Viettel Post hỗ trợ phí vận chuyển, áp dụng đồng giá 11.000 đồng cho đơn hàng trọng lượng tới 30kg từ Hải Dương đến một số địa phương

Để mở rộng vùng tiêu thụ của các mặt hàng nông sản này, Bộ Công thương đã phối hợp với các sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước, như Alibaba, Lazada, Sendo, Shopee, Postmart, Voso.vn  … để tiếp cận thị trường. Giúp bà con nông dân an tâm hơn về đầu ra, chuyên tâm lo chăn nuôi, sản xuất để vượt qua khó khăn trong đại dịch.  

Tuy vậy, đưa được sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT không đơn giản, bởi nhận thức của doanh nghiệp với phương thức kinh doanh này còn hạn chế. Theo bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam, để đưa nông sản lên sàn thương mại một cách bài bản, bền vững, dài hơi trên diện rộng mà không chỉ là những cuộc "giải cứu" mùa vụ, vẫn còn nhiều thách thức. Đặc biệt khi phải vượt “bão Covid-19” như hiện nay.

Để tháo gỡ nút thắt này, người nông dân cần sự đồng hành của các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong ứng dụng chuyển đổi số về tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT. Ngoài ra cần sự phối, kết hợp hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao… với các doanh nghiệp để tìm hướng đi bền vững, lâu dài.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, cho biết: "Bộ Công thương đang phối hợp với các địa phương lên danh mục những đặc sản của từng địa phương. Sau đó mở gian hàng cấp quốc gia để triển khai xúc tiến thương mại rồi đào tạo, bàn giao lại công nghệ để người dân có thể chủ động đưa đặc sản của mình lên các sàn thương mại điện tử".

anh-4.jpg
Đưa nông sản Việt lên sàn TMĐT từ "giải cứu" đến hướng đi dài hơi

Về phía sàn thương mại điện tử, Lazada cũng cam kết xây dựng hệ sinh thái hoàn thiện, giúp doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng chuyển đổi số, tiếp cận với thị trường rộng lớn, không biên giới trên Internet.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại: “Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giúp nông sản Việt Nam có hướng đi mới không chỉ vượt qua đại dịch mà còn trong tương lai xa trước những biến động khó lường khác”, ông Vũ Bá Phú nhìn nhận.

Có thể thấy, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT là một trong những hướng đi đúng đắn. Đây cũng là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đưa nông sản Việt lên sàn TMĐT chính là mở ra con đường mới, sáng hơn để vượt “bão Covid-19”.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử, vượt “bão Covid-19”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO