Nỗ lực "ngoại giao vaccine" của Việt Nam “đơm quả ngọt”

Thu Trang | 08/09/2021 12:02

BVCL - “Ngoại giao vaccine” để có thể tiếp cận vaccine nhanh nhất, nhiều nhất từ các nguồn bên ngoài, đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, dài hạn và là “mặt trận” quyết định thành công đối với chiến lược vaccine của Chính phủ. Cả quá trình nỗ lực không mệt mỏi đó đã “đơm quả ngọt” khi hàng triệu liều vaccine về đến Việt Nam.

"Ngoại giao vaccine" được triển khai quyết liệt, bài bản

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ đã dự báo và ban hành chỉ đạo về công tác phòng chống dịch, trong đó có việc thực hiện chiến lược vaccine: Tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine, đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả cho người Việt Nam. Theo đó, “ngoại giao vaccine” được xác định là một mũi nhọn để đạt được chiến lược này.

anh-2.png
Việc thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine khẳng định quyết tâm rất cao và sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chiến lược vaccine để mở rộng tiêm chủng cho toàn dân

Mới đây nhất, ngày 13/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg về thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ các đối tác song phương và đa phương.

Cho đến nay, chiến lược vaccine và “ngoại giao vaccine” được triển khai rất quyết liệt, bài bản ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như WHO, các doanh nghiệp sản xuất vaccine…

Không chỉ ở kênh song phương, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào “ngoại giao vaccine” ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có những giải pháp đối với bất bình đẳng vaccine và khan hiếm vaccine. Tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hay Hội nghị tương lai Châu Á, Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nêu bật tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế chung tay sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt vaccine, bảo đảm phân bổ công bằng vaccine cho các nước đang phát triển và kém phát triển.

Mới đây ngày 5/9 trong thời gian tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Cộng hòa Áo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp, làm việc với Đại sứ Việt Nam tại 6 nước gồm CH Czech, Slovakia, Hungary, Ba Lan, Áo và Đức. Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực ngoại giao vaccine của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có 6 nước châu Âu; đồng thời đề nghị các đại sứ tiếp tục nỗ lực bằng mọi kênh, tích cực vận động các nước để có được vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế nhanh nhất và sớm nhất.

anh-1.png
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Việt Nam đã nhận được hàng triệu liều vaccine phòng Covid-19 của các nước ủng hộ, viện trợ bằng con đường “ngoại giao vaccine”

Với việc triển khai quyết liệt, bài bản như vậy, chúng ta có thể khẳng định “ngoại giao vaccine” chính là một mũi nhọn để đạt được chiến lược tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine, đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả cho nhân dân.

Chiến lược ngoại giao vaccine “đơm quả ngọt”

Kết quả của sự vận động tích cực ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong chiến lược "ngoại giao vaccine" giúp Việt Nam tiếp tục nhận được viện trợ hàng chục triệu liều vắc-xin từ nay đến cuối năm 2021.

Tại cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine nhằm rà soát, đánh giá tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ ngoại giao vaccine thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác báo cáo, với những biện pháp hiệu quả và quyết liệt, trong tháng 8 và tháng 9 tới đây, mặc dù thế giới rất khan hiếm vaccine, chúng ta sẽ tiếp tục nhận được thêm vaccine nhiều hơn dự kiến, có thể trên 16 triệu liều qua các hình thức viện trợ, các đối tác nhượng lại vaccine và giao vaccine theo các hợp đồng đã ký kết.

Bên cạnh vaccine, nhiều đối tác, cả Chính phủ, các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp, cũng như kiều bào ta tại nước ngoài đã dành sự hỗ trợ quý báu về trang thiết bị y tế để phục vụ kịp thời và thiết thực cho công tác phòng chống dịch. Đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng hơn 1 triệu USD tiền mặt, hơn 6 triệu bộ xét nghiệm, hơn 600.000 khẩu trang các loại, hàng trăm máy thở, máy nén oxy, hàng trăm tấn oxy hóa lỏng, và hàng trăm máy tạo oxy, tủ lạnh bảo quản vaccine cùng nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch khác.

anh-3.jpg
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất sẽ là liều vaccine tốt nhất giúp đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân

Mới đây, tại các buổi gặp gỡ, đón tiếp các đoàn ngoại giao của Mỹ, Nga và EU, đại diện các nước đều cam kết sẽ luôn đồng hành cùng với Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đặc biệt trên lĩnh vực viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trong ngày 4/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo chính phủ Đức đã quyết định viện trợ khoảng 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca để hỗ trợ Việt Nam chống dịch Covid-19. Trước đó, chính phủ Đức cũng đã thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị bệnh và 20.000 máy đo nồng độ ôxy. Cho đến nay, viện trợ của chính phủ Đức là sự hỗ trợ lớn nhất của một nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đối với Việt Nam. Đây là kết quả của sự vận động tích cực ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong đó có việc Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư và điện đàm với Thủ tướng Đức và các nỗ lực vận động mà Tổ công tác của Chính phủ về "ngoại giao vaccine", các bộ, ngành và cơ quan đại diện Việt Nam tại Đức đã triển khai trong thời gian qua.

Trong khi đó, chiều tối 4/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ bổ sung vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Đây cũng là thành quả của vận động cấp cao, nỗ lực của Tổ công tác của Chính phủ về "ngoại giao vaccine ". Đến nay, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 3 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Một tuần trước đó, Ý và Romania trở thành những nước EU mới nhất viện trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam, sau động thái tương tự của Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary và Pháp.

Ngoài số vaccine chủ yếu là AstraZeneca từ những nước trên, Hà Nội cho biết sẽ nhận được khoảng 20 triệu liều vac-xin Sputnik V của Nga từ giờ đến cuối năm nay.

Những lô vaccine cùng thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 liên tục được chuyển về Việt Nam chính là những “quả ngọt” sau bao nhiêu nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.

Phát huy những thành quả đã đạt được, các cấp, các ngành, trong đó có cơ chế Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, tiếp tục nỗ lực thực hiện sứ mệnh đưa nguồn vaccine quý giá về với nhân dân Việt Nam, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, sớm đẩy lùi dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển KT-XH.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực "ngoại giao vaccine" của Việt Nam “đơm quả ngọt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO