Nghệ An: Nhà “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp, chính quyền không xử lý dứt điểm

Trần Tú| 09/08/2022 14:44

Trình trạng san lấp, xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Hưng Yên Bắc (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) diễn ra rầm rộ từ lâu nhưng chính quyền địa phương xử lý không dứt điểm, khiến người dân hết sức bức xúc.

Báo Công lý nhận được phản ánh của người dân trên địa bàn xã Hưng Yên Bắc (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), cho biết, trong gần 2 năm vừa qua, hàng loạt ngôi nhà được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đáng chú ý, đây không chỉ là những ngôi nhà cấp 4 tạm bợ mà phần lớn là những ngôi nhà cao tầng hiện đại với tường rào bao quanh rất vững chãi.

Điển hình như: Gia đình ông Phan Đình Hiếu ở Xóm 4, gia đình ông Nguyễn Văn Kình ở Xóm 4 đang xây nhà đã đến giai đoạn hoàn thiện. Ông Nguyễn Đình Quang ở Xóm 1, xã Nghi Công Nam mua đất ruộng ở Xóm 1, xã Hưng Yên Bắc rồi xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hữu ở Xóm 1, xây nhà 3 tầng; ông Phạm Bá Hoàn ở Xóm 1, xây nhà 2 tầng đang hoàn thiện…

Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trên tuyến đường liên thôn từ trung tâm xã Hưng Yên Bắc đi các Xóm 1,2, 4,…đã có hàng chục ngôi nhà được xây dựng từ khá lâu và rất kiên cố. Ngay cạnh UBND xã Hưng Yên Bắc cũng xuất hiện tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp, chưa được cấp phép đầy đủ.

nghe-an-xay-nha-trai-phep-dat-nong-nghiep1.jpg
nghe-an-xay-nha-trai-phep-dat-nong-nghiep3.jpg
Người dân tự ý xây dựng những ngôi nhà kiên cố, trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Hưng Yên Bắc.

Ông Phan Bùi Xân, sống ở Xóm 1, xã Hưng Yên Bắc cho biết: “Tôi là một đảng viên, cựu chiến binh có xây cái tường rào trên đất nông nghiệp để bảo vệ cây trồng. Khi xây thì không bị kiểm tra, đình chỉ, đến khi xây hoàn chỉnh xong thì xã chỉ đạo cưỡng chế phá dỡ, gây thiệt hại cho gia đình khoảng 200 triệu đồng. Tôi biết, việc xây nhà tạm bợ hay tường rào trên đất nông nghiệp là sai quy định nhưng trên địa bàn xã Hưng Yên Bắc có hàng chục công trình xây dựng nhà 2 tầng kiên cố, trái phép trên đất nông nghiệp, đất trồng lúa nhưng không bị kiểm tra xử lý theo đúng pháp luật”.

“Tôi thiết tha kiến nghị UBND huyện Hưng Nguyên và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần thành lập đoàn thanh kiểm tra về đất đai, xây dựng tại xã Hưng Yên Bắc. Sai đến đâu xử lý đến đó, đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng bao che”, ông Xân cho biết thêm.

Tìm hiểu được biết, hiện tại các chủ hộ của những ngôi nhà xây dựng trái phép trên vẫn ung dung, tự tại sống trong tư gia của mình. Với tình trạng này, nếu các cấp chính quyền không vào cuộc xử lý dứt điểm sớm thì trong thời gian sắp tới, rất có thể sẽ có hàng loạt các ngôi nhà khác sẽ ngang nhiên “mọc lên” trên đất nông nghiệp, đất trồng lúa trái quy định pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Phúc Khang - Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Bắc chia sẻ: “Tình trạng người dân tự ý xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2020 đến nay, có khoảng hơn 15 hộ xây dựng nhà ở, tường rào trái phép trên đất nông nghiệp. Việc xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp chủ yếu diễn ra vào ban đêm, ngày nghỉ của các cơ quan. Ban đầu, chỉ xây tạm bợ sau đó là xây nhà ở kiên cố.”

nghe-an-xay-nha-trai-phep-dat-nong-nghiep4.jpg
Ông Hoàng Phúc Khang - Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Bắc trao đổi với phóng viên.

Ông Phạm Ngọc Cừ - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên cho biết, sự việc các hộ gia đình xây dựng nhà kiên cố, công trình trên đất nông nghiệp ở xã Hưng Yên Bắc, huyện đã chỉ đạo chủ tịch UBND xã Hưng Yên Bắc kiên quyết xử lý vì trách nhiệm xử lý của vấn đề này thuộc quyền của cấp xã.

Dư luận hiện đang rất bức xúc vì cho rằng, để xảy ra sai phạm trên là do chính quyền đã buông lỏng quản lý, nương nhẹ trong xử lý sai phạm. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, tránh để kéo dài lâu gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Nhà “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp, chính quyền không xử lý dứt điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO