Khi thành lập địa điểm kinh doanh cần thực hiện theo thủ tục gì?

Mai Yến| 12/05/2021 11:38

BVCL - Công ty tôi có trụ sở tại Hà Nội và chưa có chi nhánh. Nay tôi muốn đặt địa điểm kinh doanh khác thành phố với trụ sở chính, cụ thể là TP.HCM. Vậy công ty chúng tôi có được thành lập địa điểm kinh doanh ở đó hay không? Thủ tục thực hiện như thế nào?

Bạn đọc có email thaiphuongxxx@gmail.com gửi email đến Bảo vệ Công lý hỏi.

Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Công ty luật HOK, Đoàn luật sư TP. Hà Nội trả lời:

Tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 của Chính phủ đã quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự cũng như thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh. Theo đó, địa điểm kinh doanh là một trong các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.

Bởi vậy, các cá nhân muốn mở địa điểm kinh doanh phải có đủ hai yếu tố:

Thứ nhất, điều kiện đối với tên địa điểm kinh doanh quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể, tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu và phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh. Tên địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở địa điểm kinh doanh.

Thứ hai, điều kiện về địa chỉ địa điểm kinh doanh. Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì: Doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh. Hiện nay thì doanh nghiệp có thể đặt địa điểm kinh doanh theo nhu cầu của doanh nghiệp không bắt buộc là phải thành lập trong cùng tỉnh, thành phố với trụ sở chính để phù hợp với mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, địa chỉ mở địa điểm kinh doanh không được thành lập tại căn hộ, chung cư hoặc nhà tập thể.

Cùng với đó, quy trình thành lập địa điểm kinh doanh cũng khá đơn giản so với thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện, cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Gửi thông báo thành lập địa điểm kinh doanh

Để thành lập địa điểm kinh doanh, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh (điểm b khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).

Nội dung thông báo gồm: Mã số doanh nghiệp; tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tên và địa chỉ chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi chi nhánh đặt trụ sở); tên, địa chỉ địa điểm kinh doanh; lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh; họ, tên, nơi cư trú, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đứng đầu địa điểm kinh doanh; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc họ, tên, chữ ký của người đứng đầu chi nhánh đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh

Kèm theo thông báo cần có: Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục lập địa điểm kinh doanh; bản sao giấy chứng thực cá nhân của người nộp hồ sơ.

Bước 2. Gửi hồ sơ thông báo thành lập địa điểm kinh doanh

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu chi nhánh trong trường hợp địa điểm kinh doanh thuộc chi nhánh gửi hồ sơ thông báo thành lập địa điểm kinh doanh.

Bước 3. Cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.

Như vậy, nếu doanh nghiệp có nhu cầu thì sẽ được phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp riêng.

Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký lập địa điểm kinh doanh, công ty cần thực hiện thủ tục kê khai và nộp thuế tại cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi thành lập địa điểm kinh doanh cần thực hiện theo thủ tục gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO