Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch bằng nhiều chính sách gỡ khó

Thu Trang| 15/09/2021 20:00

BVCL - Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều chính sách gỡ khó, hỗ trợ các doanh nghiệp. Trước những khó khăn cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, tại Nghị quyết 105 vừa được ban hành, Chính phủ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Phòng chống dịch đi kèm với phục hồi, duy trì sản xuất

Trước những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/9 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

anh-1.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch bằng những chính sách gỡ khó

Theo đó, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các địa phương được giao chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn.

Chính phủ đề ra một số nhóm giải pháp để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bộ Giao thông Vận tải được giao hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa thông suốt, nhanh chóng và thuận lợi; khai thác lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong chuỗi cung ứng sản phẩm.

Đồng thời, không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống cũng như nguyên liệu sản xuất.

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, không để đứt gãy sản xuất.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực theo quy định của bộ, cơ quan để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hóa.

Các địa phương cùng với doanh nghiệp nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương. Đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong việc áp dụng mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến”, “3 tại chỗ” và “3 cùng” để có mô hình áp dụng phù hợp.

Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền

Tại Nghị quyết số 105, Chính phủ đề ra nhóm biện pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

anh-2.jpg
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua khó khăn, đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao chủ trì, phối với với các bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động ngay trong tháng 9.

Bộ Giao thông Vận tải trong tháng 9 này phải xem xét chính sách giá dịch vụ hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19; yêu cầu doanh nghiệp vận tải biển niêm yết giá công khai, minh bạch các loại giá cước vận tải tránh tình trạng tăng cước bất hợp lý.

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ tiền điện nước, gia hạn tiền nộp khai thác tài nguyên, chích sách lãi suất thấp cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính được giao khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành. Đáng chú ý, Bộ này được giao xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch Covid-19.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao xem xét miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên trong năm 2021 và 2022; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được giảm đóng phí công đoàn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo địa phương nới lỏng một số quy định, điều kiện về cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới nhưng tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, bộ này cũng cần nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9 về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp ngoại quốc

anh-3.jpg
Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp ngoại quốc vượt qua khó khăn

Tại cuộc làm việc với Đại sứ Hàn Quốc và Hiệp hội doanh nghiệp, kết nối trực tuyến với hàng chục doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam vào chiều ngày 14/9. Thủ Tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị và tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đáp ứng trong điều kiện cho phép.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng khẳng định, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam, mất mát, thiệt thòi của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là mất mát, thiệt thòi của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để củng cố niềm tin, phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh trong mọi hoàn cảnh, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Với những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ để đồng hành cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn, tin rằng lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa: “Kinh tế có thể khó khăn nhưng niềm tin trong xã hội chúng ta được củng cố. Nguồn lực và sức mạnh từ niềm tin là vô cùng to lớn và là một trong những yếu tố có tính chất quyết định. Tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay, đồng hành, sự tham gia tích cực của đồng bào, chiến sĩ, của cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta không chỉ chiến thắng đại dịch mà còn mang tinh thần, cảm hứng từ chiến thắng đó, từ tinh thần yêu nước đó, tự hào dân tộc đó, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững. Tinh thần là mỗi địa phương, doanh nghiệp, mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch và sản xuất kinh doanh, mỗi người dân, mỗi công nhân là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch và trong sản xuất”.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch bằng nhiều chính sách gỡ khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO