Năm 2024, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, tuyển mới đào tạo nghề cho 18.000 người, chuyển dịch cơ cấu lao động cho 7.000 người từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động. Chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng lao động.
Nhờ đó công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 10.600 lao động, đạt 52,8% kế hoạch, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, từ chương trình phát triển kinh tế xã hội là 4.634 người, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm 1.437 người, xuất khẩu lao động 165 người, cung ứng lao động tỉnh ngoài 4.323 người.
Tỉnh cũng đã chuyển dịch được 4.097 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, bằng 58,5% kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính riêng trong tháng 5, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho 2.238 người, Lũy kế 5 tháng đầu năm, tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.145 người, đạt 45,3% kế hoạch, tăng 7,46% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Yên Bái đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; tuyển mới đào tạo nghề cho 18.000 người; chuyển dịch cơ cấu lao động cho 7.000 người từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Tỉnh phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề cho 18.000 người, trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho 4.000 lao động nông thôn (lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số…).
Để đạt được mục tiêu trên, Sở LĐTBXH cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đối với từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó nhấn mạnh tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động. Thực hiện các giải pháp, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp để triển khai tổ chức đào tạo nghề theo địa chỉ sử dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề nhằm tạo thêm việc làm mới.
Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động của Trung ương và địa phương, lồng ghép có hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề. Khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tham gia giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động…
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho người lao động. Gắn tạo việc làm với xây dựng nông thôn mới và phát triển các làng nghề truyền thống cùng với chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là lao động thuộc các xã nghèo.