Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế

Quỳnh Như| 24/10/2022 09:43

BVCL - Phát triển vùng Đông Nam Bộ phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới

Bộ Chính trị vừa hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó khẳng định, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỉ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước.

toan-canh-16665180232121003433890(1).jpg
Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị tổ chức vào ngày 23/10

Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất. Diện mạo đô thị ngày càng hiện đại; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đứng thứ hai trong các vùng của cả nước. Lĩnh vực văn hoá, xã hội đạt một số kết quả quan trọng. Công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đổi mới giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tỉ lệ lao động qua đào tạo cao nhất cả nước.

Lĩnh vực y tế chuyên sâu có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới. Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng.

Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng.

Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng nghiêm trọng tại TPHCM chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa đóng góp nhiều vào đổi mới mô hình tăng trưởng... Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý.

Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh công lập chậm được khắc phục; năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng các tình huống dịch bệnh bất thường. Phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải chậm được cải thiện… Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao

Nghị quyết xác định Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác... Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao...

Tăng cường đổi mới liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết và điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng khác và các nước tiểu vùng sông Mê Công, ASEAN và thế giới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của từng địa phương và tổ chức điều phối vùng. Phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nâng cao sức khoẻ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng...

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhất là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới và có tầm nhìn chiến lược... Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng, kiện toàn bộ máy quản lý ở các cấp.

Mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.

chinh-quyen-do-thi-tphcm.jpg
TPHCM là trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước. TPHCM là trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỉ lệ đô thị hoá đạt khoảng 70 - 75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 7%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10.000 dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%...

Tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.

TPHCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, củng cố vững chắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO