Vụ khởi tố, bắt tạm giam nguyên lãnh đạo Công ty Tây Hồ: Dùng dự án xây dựng khu đô thị để tư lợi

Bình Minh| 16/02/2022 06:03

BVCL - Ngày 14/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét chỗ ở đối với 4 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ). Việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam những cá nhân vi phạm kể trên thể hiện sự cương quyết của các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bắc Ninh, xử lý nghiêm túc, không dung túng cho những sai phạm mang tính hệ thống ở Công ty này.

cac-bi-can.jpg
Các bị can Tân Tú Hải (hàng trên bên trái), Đặng Quang Tuấn (hàng trên bên phải), Phan Việt Anh (hàng dưới) và Chu Thị Ngọc Ngà.

Đến dự án KĐT Quế Võ I vào những ngày này, cảnh đìu hiu, xơ xác ở khu đất đẹp, rộng hàng chục héc-ta ở địa phương đang có tiềm năng phát triển mới thấy xót xa cho một dự án nằm trong toan tính đáng sợ của nhiều thế hệ lãnh đạo Công ty Tây Hồ. Hàng loạt những sai phạm của Công ty Tây Hồ đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Trước đó, từ năm 2018, một số cổ đông của Công ty này đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng ở tỉnh Bắc Ninh, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và Bộ Xây dựng. Mặc dù vậy, những sai phạm của Công ty kéo dài đến năm 2021 và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc để làm rõ.

Chuyển nhượng đất với giá “bèo”

Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp có 50,09% cổ phần tài sản nhà nước (do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - Bộ Xây dựng, quản lý). Năm 2003, Công ty Tây Hồ được tỉnh Bắc Ninh giao 60 ha đất để xây dựng hạ tầng khu đô thị mới Quế Võ I (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh); đến tháng 6/2015 được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp GCN đầu tư lần đầu. Tại dự án này, Công ty Tây Hồ đã để xảy ra hàng loạt sai phạm, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.

anh-th1.jpg
Nhiều hộ dân tự xây nhà trên lô đất được chuyển nhượng khi chưa đủ điều kiện

Tháng 9/2017 Công ty Tây Hồ được chấp thuận bán 75 lô/118 lô đất nền với tổng diện tích gần 3 ha trong phần diện tích của dự án này, còn 43 lô chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Ngay sau đó, Công ty đã triển khai hàng loạt giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng (QSD) đất và quyền sở hữu (QSH) nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng, kể cả chuyển nhượng 43 lô đất chưa đủ điều kiện. Các giao dịch chuyển nhượng này, Công ty đã thông qua một số cá nhân và nhân viên của Công ty CP Đầu tư phát triển GoldLand Việt Nam (Công ty GoldLand VN) để giao dịch.

Quá trình triển khai thực hiện dự án này đã xảy ra hàng loạt vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự. Lãnh đạo Công ty đã cố ý chuyển nhượng QSD đất và QSH nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện và chưa được Sở Xây dựng Bắc Ninh xác nhận hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Khi khách hàng có nhu cầu nhận chuyển nhượng (mua đất), cán bộ Công ty Tây Hồ giới thiệu sang gặp Văn phòng giao dịch đất đai thuộc Công ty GoldLand VN. Hợp đồng đặt cọc khách hàng ký với người của văn phòng này với giá thị trường (không ký với Công ty GoldLand VN); trong khi đó, giá của Công ty Tây Hồ đưa ra lại rất thấp, không theo thị trường, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Một số người đã phải ký hợp đồng theo cách làm “tạo cơ hội cho đối tác” của Công ty Tây Hồ. Ngày 6/10/2017, ông Nguyễn Đình Tiệp (trú tại xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đặt cọc 50 triệu đồng cho ông Phạm Văn Minh để mua thửa đất số 48, tờ bản đồ 29, diện tích 511 m2 với giá 6,5 triệu đồng/m2. Sau đó ông Tiệp đã chuyển cho ông Minh 2 lần tiền, tổng số hơn 3,2 tỷ đồng và được ông Minh dẫn vào Công ty Tây Hồ ký hợp đồng chuyển nhượng. Theo nội dung hợp đồng này, Công ty Tây Hồ chuyển nhượng cho ông Tiệp với giá hơn 2,4 tỷ đồng, chênh lệch hơn 914 triệu đồng so với số tiền ông Tiệp bỏ ra.

Tương tự như vậy, ông Nguyễn Văn Đồng (trú ở Kim Chân, Bắc Ninh) mua lô BT11 ô số 2 diện tích 511 m2, ký hiệu CD235526. Ông Đồng mua lô đất này qua bà Nguyễn Thị Hương Giang, giám đốc Công ty BĐS Tú Minh, là đối tác của Công ty Tây Hồ, nhưng trong các thương vụ này, bà Giang hoạt động với tư cách cá nhân, với giá hơn 3,1 tỷ đồng. Ngày 3/10/2017, ông Đồng nộp cho bà Giang hơn 3 tỷ đồng, còn nợ 50 triệu đồng. Sau đó ông Đồng được bà Giang dẫn vào Công ty Tây Hồ ký hợp đồng chuyển nhượng. Theo hợp đồng này, Công ty Tây Hồ chuyển nhượng cho ông Đồng với giá hơn 2,4 tỷ đồng, chênh 717 triệu đồng so với số tiền ông Đồng bỏ ra.

Những con số thâm hụt không hề nhỏ đó cần được làm rõ, quy trách nhiệm cho những lãnh đạo của Công ty Tây Hồ. Một cán bộ của doanh nghiệp này cho biết, chắc chắn lãnh đạo Công ty nắm chắc giá cả thị trường và quy trình thực hiện việc chuyển nhượng những lô đất thế nào cho đúng quy định. Vậy mà họ vẫn để cho trung gian làm, phải chăng là để trục lợi?

anh-th3.jpg
Cơ sở hạ tầng chậm xây dựng khiến cho KĐT Quế Võ I hiện vô cùng nhếch nhác

Theo tài liệu mà PV có được, Công ty Tây Hồ đã giao dịch chuyển nhượng 118 lô đất của dự án. Với tổng số diện tích đất, số lô đất lớn như vậy tương ứng với tổng số tiền bị thất thoát không hề nhỏ. Bên cạnh đó, việc cố ý chuyển nhượng QSD đất và QSH nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.

Không chấp hành nghiêm các quy định, Công ty Tây Hồ đã đưa ra giá bán rất thấp so với thị trường vào thời điểm tháng 9/2017. Các ô liền kề chỉ bán với giá 5,4 triệu đồng/m2, các ô biệt thự 4,5 triệu đồng/m2. Giá đó rất thấp so với giao dịch thực tế.

Theo cách tính sơ bộ của một cổ đông, việc Công ty Tây Hồ bán 94 lô đất đã gây thiệt hại ít nhất 86,8 tỷ đồng; trong đó ước tính tài sản nhà nước bị thiệt hại khoảng 43,4 tỷ đồng.

Chuyển nhượng trái phép dự án

Ngày 16/6/2020 Bộ Xây dựng có văn bản số 2887/BXD-QLDN về chủ trương thoái vốn của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Tây Hồ. Theo đó, phương thức thoái vốn là “Đấu giá công khai trên sàn Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật; không làm thất thoát tài sản, vốn doanh nghiệp; quyết định về mức giá khởi điểm, đảm bảo không được thấp hơn 28.432đồng/cổ phần”.

Mặc dù có văn bản chỉ đạo nêu trên và ngày 29/7/2020 Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội cũng gửi văn bản số 794/BC-TCT nêu rõ việc chuyển nhượng 24ha khi đủ điều kiện pháp lý thì phải thông qua Đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, ngày 29/7/2020 và 4/8/2020 Công ty Tây Hồ vẫn tiến hành ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/2020/HĐHTĐT và số 02/2020/HĐHTĐT với Công ty Đầu tư và Phát triển Thăng Long Land (Công ty Thăng Long). Điều đáng nói là nội dung hai hợp đồng lại không phải là hợp tác đầu tư, mà thực chất là chuyển nhượng dự án.

anh-th2.jpg
Hợp đồng chuyển nhượng được Công ty Tây Hồ ký với Công ty Thăng Long “núp” danh nghĩa hợp đồng hợp tác đầu tư

Bản chất việc chuyển nhượng dự án được thể hiện trong Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/2020/HĐHTĐT thể hiện rõ ở Điểm b mục 2.6 Điều 2: “Các bên thống nhất giao cho bên B (Công ty Đầu tư và Phát triển Thăng Long Land) làm pháp nhân đại diện cho các bên (pháp nhân dự án)…”; Điểm c mục 2.6 Điều 2: “Bên A đồng ý giao cho bên B (Công ty Đầu tư và Phát triển Thăng Long Land) được sử dụng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất trong phạm vi hạng mục, dự án….”; Điểm d mục 5.1 Điều 5:“Tài sản bên B được dùng để thế chấp bảo đảm cho việc vay vốn là toàn bộ quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền đầu tư khai thác, quyền kinh doanh, các quyền khác của các bên tại dự án (hiện nay) cùng các quyền đối với tài sản hình thành thành trong tương lai tại hạng mục hợp tác đầu tư và quyền sở hữu đối với cơ sở hạ tầng được hưởng tương ứng giá vốn tại dự án này”; Mục 5.2 Điều 5: “a, Bằng hợp đồng này, Bên A ủy quyền cho Bên B (Công ty Đầu tư và Phát triển Thăng Long Land) làm pháp nhân dự án… Chịu trách nhiệm toàn bộ việc tổ chức quản lý, quyết định mọi việc liên quan đến đầu tư xây dựng, hạch toán tài chính”; “b, Bên A ủy quyền giao cho Bên B được nhân danh, thay mặt Bên A trực tiếp làm việc, lập và ký các văn bản, tài liệu, cung cấp tài liệu hồ sơ tại các cơ quan quản lý Nhà nước và đề xuất ra các quyết định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư dự án”; “c, Bên B toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, hợp tác đầu tư hoặc hình thức khác trên nguyên tắc đảm bảo đúng pháp luật…”.

Với các điều khoản nêu trên, toàn bộ dự án hiện đang do Công ty Thăng Long quản lý, điều hành và quyết định (Công ty Tây Hồ chỉ còn 5% vốn). Hợp đồng này thực chất là chuyển nhượng dự án và trái với quy định của pháp luật về hợp tác đầu tư kinh doanh. Cụ thể, Khoản 5 Điều 13 Luật Kinh doanh BĐS quy định, chủ đầu tư “Không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán , chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản”. Và việc hợp tác kinh doanh đối với dự án này chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh theo quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính Phủ.

Để hợp thức hóa việc đã “chuyển nhượng” dự án, Công ty Tây Hồ và Công ty Thăng Long đã có các văn bản đề nghị Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh cho chủ trương chuyển nhượng phần còn lại rộng 24ha của dự án KĐT mới Quế Võ I. Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đã có Văn bản số 794/BC-TCT ngày 28/7/2020, Sở Xây dựng Bắc Ninh có Văn bản số 955/SXD-QLN ngày 18/5/2021 trả lời Công ty Tây Hồ chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với một phần dự án KĐT mới Quế Võ I theo quy định.

Việc hợp tác đầu tư kinh doanh của Công ty Tây Hồ với Công ty Thăng Long khi chưa được phép cơ quan có thẩm quyền (Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng Bắc Ninh) và chưa thông qua Đại hội cổ đông (theo Điều 52 Điều lệ Công ty) là vi phạm quy định của nhà nước và Điều lệ công ty.

Việc tự ý thống nhất với Công ty Thăng Long về giá trị đã đầu tư của Công ty Tây Hồ tại dự án là 90 tỷ đồng chắc chắn không có căn cứ, không theo quy luật thị trường và các quy định của Nhà nước về xác định giá trị đầu tư, không có đơn vị tư vấn xác định giá trị, đơn vị thẩm định giá, đơn vị kiểm toán... Cụ thể, việc xác định 90 tỷ đồng là giá trị mà Công ty Tây Hồ đã đầu tư, tức 100% cổ phần của Công ty Tây Hồ tại phần dự án này (3.248.000 cổ phần = 90 tỷ đồng), giá trị một cổ phần là 27.709 đồng, thấp hơn mức giá khởi điểm (28.432 đồng/cổ phần) theo Công văn số 2887/BXD-QLDN của Bộ Xây dựng về chủ trương thoái vốn Nhà nước tại Công ty Tây Hồ. Trường hợp này, ông Tân Tú Hải và các lãnh đạo Công ty Tây Hồ làm thất thoát hơn 2,3 tỷ đồng, có dấu hiệu cấu thành tội phạm “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

anh-th4.jpg
Công ty Thăng Long xây dựng trụ sở để giao dịch chuyển nhượng đất ngay tại KĐT Quế Võ I

Huy động vốn từ người nhà với lãi suất “trên trời”

Ngày 20/1/2020 ông Đặng Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ ký Quyết định số 01/QĐ-HĐQT và ông Tân Tú Hải - Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ ký ban hành Thông báo công khai số 28-02/TB về việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo 2 văn bản này, Công ty điều chỉnh lãi suất vay là 24%/ năm, kỳ hạn vay là 12 tháng trở lên. Những người đứng tên cho Công ty vay là Tân Minh Trang (con gái ông Tân Tú Hải, cho vay gần 10 tỷ đồng) và Nguyễn Thị Cẩm Tú (con dâu bà Chu Thị Ngọc Ngà – Trưởng Ban kiểm soát Công ty, cho vay 5 tỷ đồng).

Đối với 2 khoản vay này, đến ngày 20/1/2021, Công ty đã phải chi 3,6 tỷ đồng tiền lãi để trả cho người nhà Tổng Giám đốc và Trưởng Ban kiểm soát Công ty. Nếu Công ty vay 15 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm của các Tổ chức tín dụng (với lãi suất theo quy định) thì chỉ phải trả 1,05 tỷ đồng tiền lãi một năm. Như vậy chỉ đối với 2 khoản vay trên, lãnh đạo Công ty đã tự quyết định mức vay tăng tới 14%/năm, làm thất thoát 2.55 tỷ đồng của Nhà nước và cổ đông.

Ngoài ra, ngày 13/9/2017, Công ty Tây Hồ còn ký Thỏa thuận Hợp tác kinh doanh số 31/2017/TTHTKD với Công ty CP Kinh doanh BĐS Tây Hồ về việc hợp tác kinh doanh hạ tầng lô đất CC01, CC04, CC05 tại KĐT mới Quế Võ I. Theo đó Công ty CP Kinh doanh Bất động sản Tây Hồ đã góp hơn 22,28 tỷ đồng. Việc hợp tác kinh doanh này khi chưa xây dựng hạ tầng là trái với quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đáng chú ý, bà Chu Thị Ngọc Ngà –Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ lại là Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh BĐS Tây Hồ, đối tác là “người nhà” tạo nhiều điểm rất đáng nghi ngờ.

Đồng thời Công ty Tây Hồ đã trả lãi cho khoản góp vốn của Công ty CP Kinh doanh Bất động sản Tây Hồ một cách trái phép. Tại Khoản 9, Điều 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau:“Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế”. Điểm a, Khoản 2, Điều 19 Nghị Định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định:“Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ góp vốn theo thỏa thuận trong hợp đồng”. Thế nhưng, ngày 10/12/2020, ông Tân Tú Hải thay mặt HĐQT Công ty Tây Hồ ký Quyết định số 19/QĐ-HĐQT về việc trả lãi khoản vốn góp theo thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Công ty CP Kinh doanh BĐS Tây Hồ. Theo quyết định này, Công ty Tây Hồ phải trả lãi cho khoản hơn 22,28 tỷ đồng mà Công ty CP Kinh doanh BĐS Tây Hồ đã góp vào dự án với lãi suất tương đương của ngân hàng BIDV áp dụng cho thời hạn vay ngắn hạn 9 tháng.  

Việc hợp tác kinh doanh là phân chia lợi nhuận phân chia sản phẩm, được cùng ăn, lỗ cùng chịu, vì sao Công ty Tây Hồ lại chịu trả lãi cho Công ty CP Kinh doanh BĐS Tây Hồ? Phải chăng vì bà Chu Thị Ngọc Ngà là Trưởng Ban kiểm soát Công ty Tây Hồ lại chính là Tổng Giám đốc của Công ty CP Kinh doanh BĐS Tây Hồ nên hai bên đã phối hợp thực hiện việc này?

Với những việc làm trái nguyên tắc và trái quy định của pháp luật nêu trên, có dấu hiệu của việc rút tiền của Công ty Tây Hồ để chia nhau, gây thiệt hại tài sản Nhà nước và cổ đông, có dấu hiệu của tội phạm “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 bộ Luật Hình sự 2015.

kham-xet.jpg
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Ninh kiểm sát tống đạt Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Tân Tú Hải, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ. Ảnh: Phòng 1, VKSND tỉnh Bắc Ninh.

Những sai phạm kể trên đã khiến cho 4 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Công ty Tây Hồ (gồm ông Tân Tú Hải, nguyên Tổng giám đốc; Đặng Quang Tuấn, nguyên Chủ tịch HĐQT; Phan Việt Anh, nguyên Phó Tổng giám đốc và Chu Thị Ngọc Ngà, Trưởng ban kiểm soát) bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm là Nguyễn Tấn Hoàng cũng phải chịu trách nhiệm không nhỏ với những sai phạm kể trên của Công ty Tây Hồ. Chính vị Chủ tịch này ngày 22/10/2021 đã tuỳ tiện ký quyết định miễn nhiệm Tổng giám đốc Công ty khi chưa báo cáo và chưa được phép của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Trước đó, HĐQT Công ty cũng đã miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc đối với bà Trần Thị Thuý Tiệp và miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với ông Nguyễn Lê Minh, những người thường xuyên không đồng tình với những quyết sách vi phạm pháp luật của lãnh đạo chủ chốt Công ty Tây Hồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ khởi tố, bắt tạm giam nguyên lãnh đạo Công ty Tây Hồ: Dùng dự án xây dựng khu đô thị để tư lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO