Việt Nam luôn chú trọng triển khai hiệu quả Công ước Di sản thế giới, đề cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị 8 di sản thế giới tại Việt Nam, hợp tác hiệu quả với Trung tâm Di sản thế giới và các cơ quan tư vấn, lồng ghép nội dung của Công ước vào hệ thống luật pháp và chính sách gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Sáng ngày 22/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, đã diễn ra Phiên khai mạc toàn thể Kỳ họp 46 Ủy ban Di sản thế giới, với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu từ hơn 150 quốc gia.
Đây là kỳ họp đầu tiên Việt Nam tham gia với tư cách thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp.
Cùng tham dự còn có Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Phong Phú, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các sở, ngành địa phương, Ban quản lý các khu Di sản thế giới, Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng nhóm chuyên gia của Việt Nam.
Việt Nam cam kết đóng góp cho Quỹ Di sản thế giới
Phát biểu đầu tiên tại phiên khai mạc toàn thể, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá cao công tác tổ chức chu đáo của nước chủ nhà Ấn Độ; hoan nghênh những nỗ lực của Trung tâm Di sản thế giới thúc đẩy các mục tiêu của Công ước, đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ các quốc gia trong nâng cao năng lực, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc xúc động chia sẻ, trong thời điểm người dân Việt Nam đang tưởng nhớ và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại kỳ họp quan trọng này, Việt Nam muốn nhấn mạnh những tư tưởng lớn và sâu sắc của Tổng Bí thư về vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Với tinh thần đó, Việt Nam luôn chú trọng triển khai hiệu quả Công ước Di sản thế giới, đề cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị 8 di sản thế giới tại Việt Nam, hợp tác hiệu quả với Trung tâm Di sản thế giới và các cơ quan tư vấn, lồng ghép nội dung của Công ước vào hệ thống luật pháp và chính sách gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gần đây nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đến năm 2045, và Luật Di sản văn hóa sửa đổi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam đề xuất UNESCO và các nước thành viên cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả Công ước, ưu tiên chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển, các nước châu Phi, nhóm đảo nhỏ đang phát triển, thúc đẩy tham gia và đóng góp của cộng đồng, phụ nữ và thanh niên. Trong nỗ lực đó, Việt Nam cam kết đóng góp cho Quỹ Di sản thế giới, đồng hành cùng các thành viên phát huy giá trị di sản với vai trò động lực thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và cầu nối với tương lai.
Thay mặt cho hơn 2.000 đại biểu từ hơn 150 quốc gia tham dự kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã đánh giá cao thông điệp có ý nghĩa của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và gửi lời chia buồn sâu sắc tới lãnh đạo, nhân dân Việt Nam và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước mất mát lớn lao này.
Việt Nam là hình mẫu về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Trước đó, sáng ngày 21/7, Đoàn Việt Nam đã có cuộc làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh các di sản thế giới tại Việt Nam đã và đang đóng góp hết sức tích cực cho việc nâng cao đời sống của cộng đồng địa phương có di sản nói riêng, cũng như sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước nói chung; cảm ơn sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Trung tâm Di sản thế giới và cá nhân Giám đốc dành cho Việt Nam.
Đại diện các tỉnh, thành phổ tham dự kỳ họp cũng đã đưa ra nhiều thông tin thiết thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Danh thắng Tràng An, hướng tới xây dựng Ninh Bình trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định sự nghiêm túc và trách nhiệm thực hiện các cam kết bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long để tăng giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, đáp ứng ý nguyện và mong muốn của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị 8 di sản/danh hiệu UNESCO, dự kiến Quốc hội sẽ sớm thông qua việc đưa Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng di sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề cao sự phối hợp chặt chẽ với thành phố Hải Phòng trong quản lý di sản liên địa phương vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, bày tỏ mong muốn được Trung tâm Di sản Thế giới hỗ trợ để hồ sơ đề cử Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được ghi danh.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định nỗ lực hết sức để bảo tồn bền vững di sản Phong Nha Kẻ Bàng.
Về phần mình, ông Lazare Eloundou Assomo cảm ơn đóng góp của Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam là hình mẫu về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ông mong muốn kinh nghiệm của Việt Nam được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác; khẳng định Trung tâm Di sản Thế giới luôn đồng hành và hỗ trợ hết sức Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản thế giới, đồng thời cam kết sẽ xem xét, hỗ trợ trong phạm vi chức năng của mình đối với các hồ sơ đề cử di sản thế giới của Việt Nam trong thời gian tới.
Tối ngày 21/7/2024, Đoàn Việt Nam đã tham dự Lễ khai mạc Kỳ họp với sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, một số thành viên nội các, trong đó có các Bộ trưởng: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Bộ Du lịch, và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.
Ủy ban Di sản Thế giới là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của tổ chức UNESCO, với sự tham dự của 21 thành viên.
Ủy ban có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản Thế giới.
Kỳ họp 46 Ủy ban Di sản thế giới sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 31/7/2024 để xem xét 27 hồ sơ ghi danh di sản mới và 124 hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị di sản.