Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; trong đó có cả lực lượng nữ doanh nhân. Nhờ vậy, vị thế thương trường của nữ doanh nhân sẽ ngày càng lớn mạnh hơn.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận, Phan Thị Vi Vân, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, phụ nữ luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng; có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.
Ngày nay, phụ nữ Việt Nam đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện ở số nữ chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động. Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2% so với nam giới là 86%; trong đó có một số lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới.
Khi nền kinh tế phát triển mạnh, phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội hơn, cho phép họ tham gia vào nền kinh tế thị trường và buộc nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình để giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tạo cho họ có nhiều thời gian hơn để tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.
Bà Phan Thị Vi Vân cho biết thêm, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này đặt mục tiêu đến năm 2025, số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt khoảng 20-25% và số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ đạt khoảng 30-35%. Do vậy, Nghị quyết 66/NQ-CP đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ.
Chính vì thế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận đã ký kết phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh về việc hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.
Theo đó, hai cơ quan cùng xây dựng kế hoạch hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030, với các nội dung nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ, người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, phát huy vai trò của phụ nữ tham gia phát triển.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận, Phan Thị Vi Vân kỳ vọng các hoạt động phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, cơ sở với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp… sẽ mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng nữ doanh nhân; trong đó, đề cao vai trò của việc tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho lao động nữ. Bồi dưỡng cho cán bộ Hội các cấp về kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên giai đoạn 2024-2027 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể.
Chương trình này nhằm tăng cường sự phối hợp, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ.
Cùng với đó là phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hợp tác xã năm 2023 và thực hiện các Đề án của Chính phủ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ.
Liên quan đến xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng đã ghi nhận đóng góp to lớn của nữ doanh nhân, của các doanh nghiệp và hợp tác xã do phụ nữ làm chủ.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, các nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ kiên trì, bền bỉ chèo lái hoạt động kinh doanh, mà còn năng động, sáng tạo, đem bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết của người phụ nữ Việt dấn thân vào các lĩnh vực mới, các lĩnh vực khó, vốn được xem là thế mạnh của nam giới như: Logicstic, cầu đường, xây dựng, quản lý khu công nghiệp, công nghệ thông tin và cả lĩnh vực hàng không…
Hiện tại, các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ còn một số hạn chế về quy mô, nguồn vốn, trình độ quản trị, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Nhưng thông qua các chính sách tích cực về bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ của Đảng và Nhà nước, thì vai trò và vị thế của lực lượng nữ doanh nhân sẽ được khẳng định trong thời gian tới.
Số liệu của Tổ chức tài chính quốc tế IFC cho thấy, vai trò của phụ nữ là các doanh nhân đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong các lĩnh vực, đã tạo ra phong cách lãnh đạo kinh doanh mềm dẻo, linh hoạt và đạt rất nhiều hiệu quả hơn so với nam giới.
Theo số liệu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân thì có 1 doanh nghiệp có nữ giới tham gia quản lý doanh nghiệp, họ đã đóng góp 40% của cải cho nền kinh tế.