Hôm nay (13/11), Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Theo đó, Chính phủ kiến nghị xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài chính tuyến khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phục vụ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Hướng tuyến tại tờ trình đã được 20/20 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua thống nhất. Cụ thể là qua Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.
Về công trình ga, dự án đề xuất bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng. Bộ GTVT cho biết, nguyên tắc lựa chọn nhà ga là phải phù hợp với điều kiện hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương, đặc biệt tại vị trí có nhu cầu vận tải đủ lớn.
Mỗi tỉnh bố trí 1 ga tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch đô thị có tiềm năng phát triển, đảm bảo khả năng kết nối tốt với hệ thống giao thông quốc gia đặc biệt là hệ thống đường sắt quốc gia, giao thông công cộng.
Về tiến độ thực hiện dự án, dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý IV năm 2024; hoàn thành công tác lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) vào năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án vào năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ dự án như tiến độ dự kiến, dự án đề xuất 19 chính sách đặc thù, đặc biệt.