Chiều 14/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 6 của ban chỉ đạo.
Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban chỉ đạo CCHC thời gian qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu còn hạn chế về tầm quan trọng, tác động lan tỏa và hiệu quả của CCHC. “Phải có cảm xúc với tình hình, với những gì mà người dân và doanh nghiệp đang vướng mắc để làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất” - Thủ tướng chia sẻ.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều thách thức, thủ tục còn rườm rà, việc thực thi phương án đơn giản hóa TTHC còn chậm, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức, chưa thuận lợi…
Đáng chú ý, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức ở một số nơi còn mang tính cơ học, hiệu quả hoạt động chưa cao. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, vẫn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”… “Nguyên nhân lớn nhất của những tồn tại, hạn chế nêu trên là ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của một số người đứng đầu, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Bên cạnh đó, hoạt động cải cách có nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Các cơ chế, chính sách còn mâu thuẫn, chồng chéo. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương chưa cao; còn tâm lý sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Về nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sức lan tỏa của CCHC với sự phát triển của đất nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa cả sáu nội dung CCHC, trong đó cải cách thể chế là nền tảng, cải cách thủ tục là trọng tâm, cải cách chế độ công vụ, công chức là động lực, cùng với cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và xây dựng Chính phủ số để tạo đột phá.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng cần chú trọng CCHC từ cơ sở, nghiên cứu giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, tăng cường cho cơ sở để giải quyết thủ tục, công việc cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và rà soát, cắt bỏ tất cả thủ tục không cần thiết với người dân, doanh nghiệp…
Yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan triển khai các nhiệm vụ cần thiết để thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách năm 2024.
Cùng đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục cải cách các quy định về nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện các biện pháp để triển khai có hiệu quả Nghị định 73/2023 về việc khuyến khích cán bộ năng động,sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đồng thời, phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26 của Thủ tướng về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
Bộ TN&MT được giao phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ tăng cường kiểm tra chuyên đề về việc giải quyết TTHC trên lĩnh vực đất đai. “Kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp thực hiện không đúng quy định, gây phiền hà, sách nhiễu người dân”. Tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai…