Bên cạnh việc tuyên bản án về trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo kháng cáo trong vụ Việt Á, TAND cấp cao tại Hà Nội cũng tuyên về phần dân sự liên quan đến kháng cáo của mẹ và vợ bị cáo Phan Quốc Việt cùng các tổ chức, cá nhân khác.
Theo nhận định của HĐXX, đối với kháng cáo của Công ty Việt Á: Công ty Việt Á đã nâng khống giá thành khi hiệp thương giá và sử dụng giá đó để bán kit xét nghiệm cho các cá nhân, tổ chức vượt quá nhiều lần, hưởng lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng, không bao gồm phần kit đã bán cho Học viện Quân y.
Toàn bộ số tiền này được chuyển về Việt Á và Phan Quốc Việt là người điều hành, quyết định việc sử dụng nên Tòa cấp sơ thẩm buộc Việt phải nộp lại số tiền này để sung công quỹ nhà nước là có căn cứ.
Phía Công ty Việt Á đề nghị đưa 80 cơ quan, đơn vị còn nợ Công ty Việt Á tiền mua kit xét nghiệm COVID-19 với tổng tiền là hơn 787 tỷ đồng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, và tuyên buộc họ phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền trên cho Việt Á…
HĐXX xét thấy do Tòa sơ thẩm không xem xét giải quyết trong vụ án này nên cấp phúc thẩm không có thẩm quyền xem xét. Dành quyền khởi kiện cho Việt Á nếu phát sinh tranh chấp với các cơ quan, đơn vị trong vụ án khác theo thủ tụng tố tụng dân sự khi đáp ứng đủ điều kiện.
Ngoài ra, phía Việt Á cũng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét, tuyên hủy bỏ biện pháp phong tỏa, tạm dừng giao dịch đối với 21 tài khoản ngân hàng của 10 công ty trong hệ thống Việt Á không liên quan đến vụ án.
Đối với yêu cầu này, Tòa phúc thẩm nhận thấy Tòa cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết nên HĐXX phúc thẩm cũng không có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an xem xét, nếu thấy các công ty trong hệ thống Việt Á không liên quan đến hành vi phạm tội nào khác thì tiến hành hủy bỏ hoặc chấm dứt việc tạm ngừng giao dịch đối với các tài khoản nói trên.
Tại phiên tòa, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) và bà Đàm Thị Trinh (mẹ của bị cáo Việt) có kháng cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm hủy bỏ việc kê biên, hủy bỏ phong tỏa đối với 52 thẻ, sổ tiết kiệm của bà Trinh với số tiền hơn 400 tỷ đồng và 2 tài khoản đứng tên 2 con của bị cáo Việt và bà Thủy là số tiền 20 tỷ đồng.
Xét kháng cáo của bà Hồ Thị Thanh Thủy và bà Đàm Thị Trinh, HĐXX thấy rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã xác định toàn bộ số tiền trên là hưởng lợi bất chính của bị cáo Việt, do Việt chuyển đến trong quá trình phạm tội.
Do đó, Tòa sơ thẩm phong tỏa các sổ, thẻ tiết kiệm này là đảm bảo cho nghĩa vụ thi hành án của bị cáo Việt là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Vì vậy, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo trên của bà Thủy và bà Trinh.
Đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (vợ bị cáo Trịnh Thanh Hùng), HĐXX nhận thấy tính đến thời điểm xét xử phúc thẩm, bị cáo Hùng đã nộp lại toàn bộ khoản tiền nhận hối lộ để sung công quỹ nhà nước, thi hành xong hình phạt bổ sung, án phí hình sự sơ thẩm.
Như vậy, theo HĐXX, việc phong tỏa 8 sổ tiết kiệm trị giá gần 4 tỷ đồng do gia đình bị cáo Hùng nộp để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo là không cần thiết.
Do đó, HĐXX phúc thẩm nhận định có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bà Oanh, hủy bỏ phong tỏa 8 sổ tiết kiệm nêu trên.