Chiều 22/11, cho ý kiến về quy định tổ chức TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh và TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện, tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, việc thay đổi này sẽ thể hiện cả hình thức tổ chức và nội dung thẩm quyền xét xử.
Đồng thời, khẳng định quan hệ giữa các Tòa án là quan hệ tố tụng không phải là quan hệ hành chính, góp phần bảo đảm nguyên tắc độc lập giữa các cấp xét xử.
Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, quy định này nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử được đề ra tại Nghị quyết số 27.
Đồng thời, cũng phù hợp với Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định "Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp". Điều này cho thấy, Tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia mà không phải là cơ quan xét xử của địa phương, tỉnh, huyện nào.
Theo Đại biểu, quy định này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trong thực tiễn xét xử của Tòa án, đặc biệt là tình trạng cho rằng Tòa án là một cơ quan thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án.
“Về bản chất, Tòa án hoạt động theo thẩm quyền tố tụng nên việc tổ chức và quy định Tòa án theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm là phù hợp. Việc đổi mới tổ chức như vậy là khẳng định rõ nét nguyên tắc các Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”-đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nói.
Về nội dung này, đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, độc lập về thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không phụ thuộc vào địa giới hành chính thì tính độc lập và tính công minh của Tòa án mới bảo đảm.
Như vậy mới thực hiện được nhiệm vụ của Hiến pháp giao cho Tòa án là bảo vệ công lý.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, từ lúc chuyển đổi hệ thống quản lý, tổ chức Tòa án huyện từ Bộ Tư pháp chuyển sang cho TANDTC, đây là thời điểm phù hợp nhất để bộc lộ và khẳng định vai trò, vị trí xét xử của các cấp.
Liên quan đến việc TAND phúc thẩm xét xử sơ thẩm một số vụ việc theo thẩm quyền, đại biểu cho rằng phải có lộ trình chuyển xét xử sơ thẩm một số loại vụ việc chuyển cho TAND sơ thẩm chuyên biệt, cũng như định hướng tiến tới bảo đảm xét xử sơ thẩm của TAND tương đương.
Mặt khác, Điều 153 về điều khoản chuyển tiếp cũng có quy định khi Luật có hiệu lực thì quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án phúc thẩm và sơ thẩm. Do đó, điều quan trọng là có lộ trình và có thời gian thực hiện chuyển đổi từ các loại vụ việc trước đây TAND tỉnh xét xử sơ thẩm thì chuyển hẳn về cho Tòa án sơ thẩm.