Tỉnh Bình Phước sẽ đẩy mạnh công tác gìn giữ, xây dựng và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, con người Bình Phước; Qua đó đáp ứng yêu cầu hội nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Trong đó nhấn mạnh đến việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương…
Theo đó, tỉnh Bình Phước sẽ kiên trì với các nhiệm vụ và giải pháp như: Xây dựng môi trường văn hóa; Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; Nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật; Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân; Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa…
Ngoài ra, địa phương này vẫn tập trung thực hiện công tác chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp, chú trọng tới các đặc tính: Hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo.
Đến năm 2030, tỉnh Bình Phước đặt ra mục tiêu hơn 94% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; Hơn 95% thôn, ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; Hơn 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa;
100% thanh, thiếu nhi trong các trường học, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh được trải nghiệm thực tế, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tìm hiểu về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; 100% các lễ hội trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được tổ chức định kỳ và có chất lượng;
Các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị; Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hoá cấp tỉnh: Bảo tàng, Thư viện, Nhà hát; Các thị xã, thành phố có công viên văn hóa, rạp chiếu phim; 100% cấp huyện có Hội Văn học Nghệ thuật, mỗi năm tăng 15% số lượng tác phẩm Văn học nghệ thuật, trong đó có ít nhất 5% số lượng tác phẩm có giá trị, có sức lan tỏa về tư tưởng nghệ thuật.
Phấn đấu đến 2045, tỉnh Bình Phước sẽ có 100% khu phố, thôn, ấp có Nhà văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 100% cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn quốc gia; 100% cấp huyện có trung tâm văn hóa, công viên văn hóa; 100% các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số;
100% khu công nghiệp thành lập mới có quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó tối thiểu 50% khu công nghiệp xây dựng mới có Trung tâm Văn hóa - Thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Phấn đấu đưa chỉ số HDI của Bình Phước nằm trong nhóm từ 20 đến 25 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước…
Tỉnh Bình Phước vốn là cái nôi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc; Là tỉnh có 41 thành phần dân tộc và có nhiều người dân từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến sinh sống, lập nghiệp, văn hóa Bình Phước hội tụ, giao thoa, thống nhất trong sự đa dạng; Có sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước.
Trong những năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đạt nhiều kết quả tích cực. Dù vậy, tỉnh Bình Phước vẫn cần vượt qua một số hạn chế như: Thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa; Hệ thống thiết chế văn hoá còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ, phương thức hoạt động chậm đổi mới; Điều kiện hưởng thụ văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biên giới còn chưa được triển khai mạnh mẽ.