Thương hiệu “điện ảnh Việt Nam”: Cần nhiều hơn con số doanh thu

Minh Anh| 17/03/2023 16:48

BVCL - Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam ghi nhận nhiều tác phẩm đạt doanh thu vô cùng ấn tượng. Nhưng để mang lại một dấu ấn riêng thì bạn bè quốc tế lại nhắc đến nhiều hơn là: "Chung một dòng sông", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"…. Vậy để phát triển thương hiệu điện ảnh Việt Nam, chỉ doanh thu thôi liệu đã đủ?

Sự ra đời, phát triển của điện ảnh Việt Nam gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Rất khó khăn, vất vả trong quá trình hình thành, tồn tại và không ngừng thay đổi, điện ảnh Việt Nam đã cho ra nhiều bộ phim đi cùng năm tháng với những giá trị vượt thời đại.

minh-anh2.jpeg
Bộ phim Nhà bà Nữ chính thức vượt qua Bố già để trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử.

Năm 1959, bộ phim truyện đầu tiên "Chung một dòng sông" ra đời, đánh dấu hành trình phát triển của điện ảnh Việt Nam đồng hành với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ 1960 - 1975, đề tài về kháng chiến, sản xuất và lao động ở miền Bắc đã ghi dấu ấn với các tác phẩm nổi bật như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu…. Nền điện ảnh cách mạng với nhiều tác phẩm tiêu biểu đã làm nên sự vẻ vang cho điện ảnh Việt Nam thời sơ khai.

Nhìn lại lịch sử văn học nghệ thuật, tư tưởng của bản Đề cương đã thực sự thức tỉnh đội ngũ văn nghệ sĩ đi theo Cách mạng Việt Nam, một nền văn nghệ cách mạng cũng thăng hoa từ ấy. Nhiều nghệ sĩ điện ảnh đã cho ra đời các tác phẩm bất hủ góp phần vào nền văn hóa cứu quốc, văn hóa kháng chiến.

Khi đất nước bắt đầu vào giai đoạn phát triển, hội nhập, một lần nữa cần đặt ra trách nhiệm của những người làm điện ảnh hôm nay, đặc biệt là thế hệ làm phim trẻ, với sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam.

Quả thật, nhiệm vụ này chưa bao giờ là đơn giản, đặc biệt là trong thị trường hội nhập điện ảnh như hiện nay thì rất nhiều yếu tố sẽ tác động khiến các nhà sản xuất không còn rõ mục đích cuối cùng là gì.

minh-anh3.jpg
Nhưng những gì điện ảnh Việt cần để có thể sánh ngang với "các cường quốc năm Châu" thì cần nhiều hơn thế.(Hình minh họa)

Có lẽ điều chi phối họ nhiều nhất vẫn chính là áp lực về doanh thu. Bởi lẽ, đâu có ai tự bỏ tiền túi ra làm phim. Đâu có ai làm phim để cho vui, hay chỉ để truyền đạt một mục đích nghệ thuật nào đó. Vì nói thẳng ra, làm phim cũng là một kiểu kinh doanh, mà kinh doanh thì phải có lãi.

Do vậy, họ xoay sở để có được nhà tài trợ, làm sao để bán được vé, chiếm được rating cao. Mọi thứ còn lại trở nên ít quan trọng hơn.

Trở thành hiện tượng phòng vé khi đạt doanh thu 430 tỉ đồng vào đầu năm nay, mở ra giấc mơ mới dành cho điện ảnh Việt, nhưng sự thành công của "Nhà bà Nữ" không hoàn toàn đến từ chính bản chất của tác phẩm. Phải khách quan thừa nhận rằng, với những hạt sạn trong kịch bản, diễn xuất, âm thanh, hình ảnh mà "Nhà bà Nữ" mắc phải thì đứa con tinh thần của Trấn Thành thực chất chỉ là một bộ phim thị trường thuộc mức khá, đánh vào thị hiếu người xem và tạo nên cơn sốt doanh thu.

Trong khi điện ảnh Việt Nam đang ăn mừng về con số 430 tỉ, người bạn láng giềng Hàn Quốc lại khiến cho cả thế giới phải trầm trồ vì tiếp tục có một tác phẩm nhận được 6 đề cử giải Oscar. Các tác phẩm của đất nước này cũng luôn được đánh giá cao tại các liên hoan phim, lễ trao giải.

Hiếm ai biết rằng, xuất phát điểm của nền điện ảnh Hàn Quốc và Việt Nam chỉ cách nhau có 4 năm lịch sử. Hàn Quốc có tác phẩm điện ảnh đầu tiên vào năm 1919, trong khi đó Việt Nam là 1923.

minh-anh4.jpg
Đã đến lúc nhà sản xuất không nên coi trọng quá về doanh thu. (Hình minh họa)

Nhưng giờ đây, khi không ít tác phẩm trình chiếu màn ảnh rộng của xứ sở Kim Chi được đánh giá là đủ sức đánh bật các bom tấn đến từ Hollywood, điện ảnh Việt lại bị chính các nhà làm phim trong nước đánh giá là tụt hậu.

Chúng ta đã từng có thời kì hoàng kim, với một thế hệ đạo diễn tài danh như Hồng Sến, Nguyễn Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Phạm Văn Khoa, Bùi Đình Hạc... được vinh dự nhận những giải thưởng danh giá tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Nguyễn Võ Nghiêm Minh ("Mùa len trâu", "Nước - 2030") và đặc biệt là Trần Anh Hùng ("Mùi đu đủ xanh", "Xích lô", "Mùa hè chiều thẳng đứng"...) trong đó "Mùi đu đủ xanh" là 1 trong 2 phim đến từ Đông Nam Á được đề cử cho hạng mục Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Cũng từ thời điểm đó cho đến 20 năm sau, vẫn chưa có tác phẩm Việt Nam nào làm được những điều tương tự. Các tác phẩm chỉ loanh quanh trong nước và "mon men đến các liên hoan phim hạng hai, hầu hết đều do đơn vị sản xuất hoặc đạo diễn tự làm thủ tục gửi dự thi.

10 tác phẩm ra rạp, đến phân nửa có kịch bản xuất hiện các yếu tố ngoại tình, những cú twist (ngoặt) ngang ngược mặc kệ logic. Rất nhiều sự kiện nóng hổi trong xã hội nhưng lại đẩy vào một cách “vô tội vạ”. Biên kịch lười biếng, khai thác phim theo hướng dễ dãi để rồi rơi vào vết xe đổ của những lối mòn nhàm chán.

Điều này khiến nhiều tác phẩm của chúng ta không mang theo nhiều giá trị nhân văn mà chỉ "mì ăn liền" để đảm bảo tính giải trí. Nói vậy không có nghĩa là không có một tác phẩm nào của điện ảnh Việt đầu tư kĩ lưỡng. Nhưng "một cánh én không thể làm nên mùa xuân", một bộ phim không thể giúp nâng tầm cả một nền điện ảnh.

Đã đến lúc những nhà sản xuất cần nhìn nhận thẳng thắn vào vấn đề và tìm cách giải quyết. Nếu không, đến bao giờ điện ảnh Việt mới làm đúng chức năng phản ánh, lên án hiện thực mạnh mẽ như cách Hàn Quốc hay Nhật Bản đang làm.

Và làm sao người ta thoải mái sáng tạo, bung ra những ý tưởng táo bạo nếu phải đứng trước vô số rủi ro thua lỗ hay thậm chí là tiêu hủy sản phẩm. Nhưng không thể vì thế mà người làm phim chỉ biết ngồi chờ.

minh-anh.jpg
Để điện ảnh Việt không chỉ dừng lại ở đáp ứng thị hiếu khán giả mà tiếp tục giậm chân tại chỗ. (Hình minh họa)

Kịch bản như tâm hồn của một tác phẩm, tuy nhiên ở Việt Nam, khâu đào tạo biên kịch, sáng tác kịch bản vẫn chưa coi trọng và nhận được những đãi ngộ tương ứng. Từ đó dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt kịch bản phim giải trí gây cười có nội dung nông cạn, thậm chí còn mở ra khái niệm "phim hài nhảm".

Kể cả có thử sức với những thể loại khác, chất lượng nội dung của phim Việt vẫn vô cùng thấp. Người yêu phim, đặc biệt là phim Việt luôn khao khát có một bộ phim sở hữu kịch bản gốc có chất lượng tiêu chuẩn, được đầu tư chỉn chu, tập trung khai thác vào chiều sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương hiệu “điện ảnh Việt Nam”: Cần nhiều hơn con số doanh thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO