Theo ghi nhận thị trường, bắt đầu từ tháng 5/2023 thị trường về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang dần hồi phục, vì thế tổng kim ngạch ước đạt cho năm nay khoảng 14,5 tỷ USD.
Kể từ năm 2020 dưới sự ảnh hưởng của dịch COVID 19 cùng xu hướng phát triển kinh tế chung của toàn cầu ngành xuất khẩu gỗ của nước ta chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, hàng tồn nhiều dẫn đến kinh tế giảm sút thậm chí phá sản.
Trong 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt khoảng 8,3 tỷ USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ. Những tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ diễn biến không mấy tích cực, tình trạng thiếu hụt đơn hàng phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ tháng 5/2023 đến nay, tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi khả quan, bình quân mỗi tháng có thể đạt trên 1,2 tỷ USD/tháng. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt thêm 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên khoảng 14 -14,5 tỷ USD.
Mặt khác, dẫn số liệu từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), đại diện HAWA cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cũng đang nhập rất nhiều máy móc, thiết bị, với doanh số lên tới khoảng 240 triệu USD, chủ yếu đến từ Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Trong bối cảnh sức ép đơn hàng lớn nhưng lượng công nhân có xu hướng giảm dần, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã ưu tiên đầu tư máy móc tương đối nhiều vào những năm gần đây. Các doanh nghiệp này luôn cố gắng đầu tư tốt nhất nhằm tạo ra sản phẩm đa dạng, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhằm tạo được sự yêu thích từ đó có thể mở rộng quy mô, đón đầu nhiều đơn hàng lớn.