Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã có nhiều quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường bảo hiểm.
Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp ngày 06/11 của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu là để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết các giải pháp để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy thực sự phát huy được ý nghĩa và mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc.
Thời gian qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64%, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn, Bộ trưởng nêu.
Theo Bộ trưởng, điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy, bởi người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng đến tính mạng, thì bảo hiểm được chi trả tối đa là 150 triệu, xe hư hỏng thì trả tối đa 50 triệu.
Để thuận lợi hơn cho chi trả, Nghị định 67 đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người dân bị tai nạn. Nếu bị ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của Công an, còn không bị ảnh hưởng tới tính mạng thì chỉ cần có file ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết các thủ tục cần thiết để được hưởng bảo hiểm.