Ngày 15/5, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ do Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban đã có buổi làm việc với TANDTC để đánh giá tình hình, kết quả phối hợp trong triển khai các nhiệm vụ về bảo mật, an toàn thông tin.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ, về phía TANDTC có đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC.
Tại buổi làm việc, hai cơ quan đã trao đổi nhằm đánh giá về tình hình, kết quả phối hợp trong triển khai các nhiệm vụ về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin trong thời gian qua. Đồng thời, xác định phương hướng nhiệm vụ, nhu cầu cụ thể của TANDTC trong thời gian tới.
Báo cáo cho biết, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo vệ bí mật Nhà nước cũng như hoạt động cơ yếu, trong thời gian qua, TANDTC thường xuyên, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo mật, an toàn thông tin.
Chủ động triển khai nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ, toàn diện các quy định, biện pháp công tác bảo vệ bí mật Nhà nước nên đến nay, trong hệ thống TAND chưa phát hiện xảy ra các vụ lộ, lọt hoặc mất bí mật nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an ninh an toàn.
Cán bộ công chức luôn chấp hành tốt theo sự chỉ đạo của lãnh đạo về việc bảo vệ bí mật nhà nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.
Trao đổi tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc TANDTC đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai các giải pháp, sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, qua đó cũng đề xuất một số kiến nghị, giải pháp khắc phục.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng đã khái quát lại những kết quả đạt được của TAND trong công tác triển khai các giải pháp, sản phẩm mật mã; đồng thời, bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Ban Cơ yếu Chính phủ trong công tác triển khai các nhiệm vụ về bảo mật, an toàn thông tin.
Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho rằng, TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước ta, có trách nhiệm quản trị toàn hệ thống TAND. Với nhiệm vụ như vậy, trong công việc hằng ngày, TANDTC tiếp cận rất nhiều văn bản, thông tin mang tính “mật” của các cơ quan nhà nước.
Đồng chí Phó Chánh án thông tin, trong xu thế chung về chuyển đổi số, hệ thống TAND đã triển khai nhiệm vụ này rất tích cực. Ứng dụng nhiều CNTT bao trùm các hoạt động của Tòa án, từ trung tâm giám sát điều hành hoạt động tòa án đến các hội nghị, hội thảo, xét xử trực tuyến,… Do đó việc đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin trong hệ thống là rất quan trọng.
Để tiếp tục làm tốt công tác phối hợp trong triển khai các nhiệm vụ về bảo mật, an toàn thông tin, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng bày tỏ mong muốn Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ TANDTC đối với một số nội dung cụ thể liên quan đến công tác bảo đảm bảo mật bí mật nhà nước; ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ; triển khai giám sát, đánh giá an toàn hệ thống thông tin trọng yếu của TAND; đào tạo, hội thảo, tập huấn...
Ghi nhận những kết quả trong triển khai công tác bảo mật, an toàn thông tin của TANDTC đạt được trong thời gian qua, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ Nguyễn Hữu Hùng nhất trí cao với phương hướng nhiệm vụ, đặc biệt là những kiến nghị đề xuất của TANDTC để giải quyết những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và tăng cường sự phối hợp giữa hai cơ quan trong việc bảo mật, an toàn thông tin cho TANDTC. Qua đó, sẽ phối hợp và thống nhất quy chế phối hợp bảo mật thông tin giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và TANDTC.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đề nghị, thời gian tới, TANDTC xem xét nghiên cứu đưa nội dung giáo trình quản lý nhà nước về công tác Cơ yếu vào đào tạo, bồi dưỡng cho học viên Học viện Tòa án...
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ đề xuất TANDTC phối hợp tổ chức xây dựng phương án, kế hoạch triển khai các sản phẩm mật mã, quản lý vận hành, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin có dữ liệu mật, tối mật đáp ứng các quy định của Luật Cơ yếu, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước…
Ngoài ra, cơ quan TANDTC quan tâm phương án đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thông tin tại đơn vị để phục vụ cho công tác Cơ yếu, một người làm hai việc vừa đảm bảo về nhiệm vụ vừa không tăng biên chế.