Để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ và giám sát của Tòa án đối với thủ tục trọng tài và phán quyết trọng tài, chiều 22/6, tại Hà Nội, lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có buổi làm việc với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
PGS. TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì buổi làm việc; cùng tham dự và đồng chủ trì buổi làm việc có TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch VIAC.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC; thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc TANDTC.
Về phía VIAC có các đại biểu: Luật sư Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký; GS. TS Đỗ Văn Đại, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học VIAC; các trọng tài viên VIAC: Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội khóa XV; TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam; TS. Lê Xuân Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Buổi làm việc do VIAC đề xuất, nội dung xoay quanh những kiến nghị về hoạt động hỗ trợ và giám sát trọng tài của Tòa án mà VIAC cho rằng vẫn còn bất cập, chưa hợp lý, cần sửa đổi.
Theo đại diện VIAC, Luật Trọng tài thương mại 2010 đã quy định chức năng hỗ trợ và giám sát của Tòa án đối với thủ tục trọng tài và phán quyết trọng tài.
Trên cơ sở quy định của Luật, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, hệ thống TAND các cấp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực cho phương thức trọng tài, theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải.
Sự hỗ trợ và giám sát này đã giúp cho trọng tài thương mại tại Việt Nam có những bước phát triển tích cực trong thời gian gần đây, góp phần tăng cường nền tư pháp, bảo đảm hiệu lực thực thi các hợp đồng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe báo cáo, các trao đổi của Thẩm phán TANDTC cùng trọng tài viên VIAC về các vấn đề còn khó khăn xoay quanh hoạt động giám sát và hỗ trợ của Tòa án đối với trọng tài tại VIAC.
Để làm rõ các vấn đề, VIAC đã có những kiến nghị tới lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong đó: TANDTC thực hiện công tác tổng kết việc giám sát hỗ trợ trọng tài trong hệ thống Tòa án để phát huy các thực tiễn tốt, ủng hộ trọng tài và xử lý các vấn đề tồn tại, thiếu nhất quán trong các quyết định của Tòa án với việc trọng tài; TANDTC quan tâm tới việc xây dựng án lệ về trọng tài, ban hành các nghị quyết hướng dẫn hoặc các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ giúp hướng dẫn Thẩm phán khi giải quyết việc trọng tài; ủng hộ phương án tăng cường giám sát và các quyết định giải quyết việc trọng tài thương mại của Tòa án các cấp...
Kết luận buổi làm việc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao đóng góp của VIAC vào hoạt động của trọng tài thương mại tại Việt Nam nói riêng và của trọng tài quốc tế chung, không chỉ giúp cho công việc của Tòa án mà còn giúp cho nhân dân tiếp cận công lý nhanh chóng; đồng thời ghi nhận những thông tin mà VIAC đã cung cấp cho lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC...
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, quan tâm tới hoạt động VIAC cũng là trách nhiệm của Tòa án. Đối với các vấn đề cụ thể kiến nghị chưa hợp lý liên quan luật, nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đồng ý và đề nghị VIAC phối hợp với các đơn vị liên quan của TANDTC để cùng nhau bàn thảo và làm.
Về hội nghị tổng kết hoạt động này Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ được tổ chức vào sau Hội nghị tổng kết TAND năm 2023. Đối với án lệ, Chánh án mong muốn VIAC có những phán quyết đề xuất để phía TANDTC phát triển án lệ.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch VIAC cho biết sẽ tiếp thu và có những ý kiến chỉ đạo để phía VIAC triển khai thực hiện theo đúng tinh thần mà đồng chí Chánh án đề xuất và giao cụ thể. TS. Vũ Tiến Lộc mong muốn thời gian tới, những hỗ trợ và giám sát trọng tài của Tòa án tiếp tục được tăng cường và có những đột phá mới.