Án lệ - Văn bản

TANDTC ban hành Thông tư hướng dẫn bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự, hành chính

Quốc Huy 07/09/2023 - 09:37

TANDTC vừa ban hành Thông tư số 02 hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án. Thông tư có hiệu lực kể từ 20/10/2023.

tru-so-moi-anh-minh-su.jpg

Theo đó, Thông tư có 9 Điều hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án.

Đối tượng áp dụng Thông tư này gồm: Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong VAHS, VAHC giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

Những người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ cùa tổ chức bị thiêt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định cùa Bộ luật Dân sự;

Cá nhân, pháp nhân ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bôi thường;

Người thi hành công vụ, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Thông tư quy định, Tòa án có thấm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.

Đối với vụ án hình sự

Tòa án đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hình sự (VAHS) có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi vụ án có đủ các điều kiện theo quy định tại các điểm a,b,c khoản 1 Điều 3 của Thông tư.

Tòa án đang giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án hành chính (VAHC) có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi vụ án có đủ các điều kiện theo các điểm a,b,c khoản 2 Điều 3.

Tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư nêu rõ: Trong quá trình giải quyết VAHS, Tòa án không giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự khi bị can, bị cáo là người thi hành công vụ có hành vi gây thiệt hại quy định tại Điều 18 của Luật Trách nhiệm bồi thường cùa Nhà nước. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp này được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính

Những người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại... trong VAHS theo quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết VAHS giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Yêu cầu bồi thường phải được đưa ra trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án.

Đối với vụ án hành chính

Đối với những người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại... trong VAHC theo quy định tại Điều 5 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết VAHC giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Yêu cầu bồi thường phải được đưa ra trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

Các yêu cầu bồi thường phải được thể hiện bằng văn bản hoặc lời khai, trình bày và được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp, biên bản làm việc khác.

Xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Tại Điều 5 của Thông tư hướng dẫn như sau:

1. Tòa án được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư này có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

2. Khi tiến hành nghị án, Hội đồng xét xử phải thảo luận, xác định hành vi của người thi hành công vụ có trái pháp luật, có gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hay không. Nội dung này phải được ghi vào biên bản nghị án.

3. Trường họp xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Hội đồng xét xử xác định thiệt hại được bồi thường; xem xét, quyết định các vấn đề về bồi thường thiệt hại trong bản án, quyết định.

4. Trường hợp xác định hành vi của người thi hành công vụ không trái pháp luật hoặc không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Hội đồng xét xử quyết định không chấp nhận yêu cầu bồi thường trong bản án, quyết định.

Xác định thiệt hại được bồi thường

Điều 6 của Thông tư hướng dẫn:

1. Ngay sau khi nhận được yêu cầu bồi thường, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải thu thập tài liệu, chứng cứ có liên quan, xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác tài liệu, chứng cứ đã thu thập để xác định thiệt hại nhanh chóng, theo đúng quy định của pháp luật.

2. Việc xác định thiệt hại được bồi thường thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Ngoài ra Thông tư hướng dẫn cụ thể về việc tách yêu cầu bồi thường; về nội dung bản án có giải quyết yêu cầu bồi thường.

Điều 55 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án

1. Việc giải quyết VAHS, VAHC có nội dung yêu cầu bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.

Thời điểm chấp nhận yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính là thời điểm Tòa án có thẩm quyền thụ lý yêu cầu bồi thường.

2. Việc xác định thiệt hại được bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định của Luật này sau khi Tòa án có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

3. Trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính thì bản án, quyết định của Tòa án còn phải có các nội dung sau đây:

a) Hành vi gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

b) Thiệt hại, mức bồi thường, phục hồi danh dự (nếu có) và việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có);

c) Cơ quan có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, thực hiện phục hồi danh dự (nếu có) và khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có).

4. Trường hợp người yêu cầu bồi thường không đồng ý với nội dung giải quyết bồi thường trong bản án, quyết định của Tòa án hoặc bản án, quyết định của Tòa án không có nội dung giải quyết bồi thường thì chỉ được tiếp tục thực hiện quyền yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng.

5. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC ban hành Thông tư hướng dẫn bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự, hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO