Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành việc tổ chức thêm Tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số vụ việc đặc thù, đòi hỏi chuyên môn hóa cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Tại phiên Quốc hội thảo luận tại tổ vừa qua, nhiều đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ (Điều 15).
Theo đó, đối với vụ án hình sự việc khởi tố, điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra và VKS, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do Cơ quan điều tra và VKS thu thập trong hồ sơ vụ án, sau khi đã kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết về vụ án. Nếu thiếu chứng cứ hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm... thì Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì nghĩa vụ thu thập chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự.
ĐBQH Mai Khanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, luật hiện hành quy định Tòa án chủ động thu thấp chứng cứ theo yêu cầu của đương sự gây ra nhiều hệ lụy và có thể ảnh hưởng đến tính khách quan.
Quan điểm hiện nay là đề cao tính tranh tụng tại phiên tòa và kết quả phán quyết cuối cùng của Tòa án dựa trên yếu tố tranh tụng. Nếu quy định Tòa án đi thu thập chứng cứ như hiện nay sẽ rất khó khăn trong công tác xét xử, đại biểu Mai Khanh nói.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, quy định Tòa án không có trách nhiệm thu thập chứng cứ là phù hợp với thực tiễn. Theo đó, Tòa án chỉ hướng dẫn, yêu cầu các đương sự thu thập chứng cứ; nếu đương sự là người yếu thế trong xã hội thì Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ. Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý tại các địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của TANDTC về việc không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa. Lý do: khởi tố, điều tra, truy tố là trách nhiệm của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Tòa án là cơ quan xét xử, nếu Tòa án khởi tố vụ án, sau đó lại xét xử vụ án đó thì có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư trong quá trình xét xử.
Ngoài ra, một số ý kiến tán thành quy định trong tổ chức TAND có TAND sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số loại việc có tính chất đặc thù, đòi hỏi chuyên môn hóa cao, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của Tòa án, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Ví dụ, TAND sơ thẩm chuyên biệt về sở hữu trí tuệ chủ yếu tập trung xử lý các vụ việc tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là chính, đại biểu nêu quan điểm.