Trong nước

Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù đầu tư dự án giao thông đường bộ

Thảo Nguyên 02/11/2023 - 10:29

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành một buổi để thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù đầu tư dự án giao thông đường bộ.

Theo dự thảo, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công - tư (PPP) lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, tức tăng 20% so với quy định hiện nay.

thao-luan.jpeg
Đại biểu Quốc hội các tỉnh Bạc Liêu, Thái Bình và Ninh Thuận thảo luận tại tổ chiều 27/10

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, việc đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP đầu tư không quá 70% là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Có thể thấy khi thực hiện các dự án giao thông đường bộ, chi phí để thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm tổng mức đầu tư rất lớn. Do đó, nếu không tăng nguồn vốn đầu tư của nhà nước thì cũng sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có nêu "thực tế triển khai thời gian qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng...". Vì vậy, đại biểu tỉnh Ninh Thuận bày tỏ băn khoăn “cơ chế, chính sách thiếu ổn định là những cơ chế, chính sách nào?”.

Qua đó, đề nghị Ủy ban Kinh tế cần tăng cường giám sát về những bất cập, hạn chế liên quan đến cơ chế, chính sách cho hình thức đầu tư PPP để làm rõ còn những khó khăn nào để kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, từ đó có những điều chỉnh, tăng hiệu quả của các dự án giao thông PPP.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long thống nhất phương án trình của Chính phủ tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm.

"Điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn; tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ; tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện", vị đại biểu khẳng định.

hoangngan.png
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM phát biểu tại tổ.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM, trong bối cảnh vừa qua của ngành giao thông cũng như của TP.HCM, việc nâng tỷ lệ lên 70% là hợp lý vì số vốn thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư chiếm tỷ lệ rất cao.

Nhìn chung cả các các chính sách được Chính phủ đề xuất, ông Ngân đều ủng hộ. Vì trong bối cảnh hiện nay phải nỗ lực, hỗ trợ đến mức tối đa để có thể triển khai đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, vì chúng ta đã có kế hoạch, đã có phân bổ vốn.

Điều này rất quan trọng, vì trong ba động lực tăng trưởng là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư, thì động lực xuất khẩu đang bị mất đà do bối cảnh thế giới. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước thì người dân cũng bị bào mòn sau hai năm đại dịch. Chỉ còn động lực quan trọng nhất đầu tư, trong đó đầu tư công có vai trò dẫn dắt.

"Vì vậy, phải làm sao tháo gỡ được các cơ chế để giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ tháo gỡ các điểm nghẽn - mà điểm nghẽn nặng nề nhất hiện nay là hạ tầng giao thông", ông Ngân nêu quan điểm.

Cho rằng, chưa thể đáp ứng vấn đề đại biểu Hùng nêu, song Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, nếu chờ sửa Luật PPP sẽ mất thời gian, trong khi đang cấp thiết thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, gắn với đầu tư công, tác động tăng trưởng kính tế. Vì thế, nên nâng lên tỷ lệ 70% vốn để giải quyết trước mắt là tạo sức hút tốt hơn với dự án PPP, còn hiện nay 50% đang là hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù đầu tư dự án giao thông đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO