Thông qua các danh nhân lịch sử, không chỉ để tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân mà còn là cách để giáo dục các thế hệ tương lai, tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Sáng ngày 13/5/2025, tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội, Hội đồng Họ Đặng Việt Nam đã trang trọng tổ chức chương trình Lễ “Khai quang điểm nhãn” tượng danh nhân Đặng Thi Sách - Đặng Công Đại Vương.
Tham dự có sự góp mặt của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu, lãnh đạo đại diện các ban ngành văn hoá, cùng đông đảo đại biểu địa phương và bà con họ Đặng cả nước.
Theo sử liệu, danh nhân lịch sử Đặng Thi Sách sinh vào năm 13 (sau công nguyên), có cha là Đặng Tập – dòng dõi Lạc tướng đất Chu Diên, từ thời các Vua Hùng. Ngài là một trong những lãnh tụ quân sự đầu tiên dám đứng lên chống lại chính quyền nhà Đông Hán.
Qua quá trình kết giao, tập hợp lực lượng đấu tranh; Ngài đã gặp và kết hôn với Trưng Trắc, người phụ nữ có tinh thần quật khởi phi thường. Cuộc hôn nhân này không chỉ mang ý nghĩa tình yêu mà còn là sự kết hợp của hai gia đình, hai dòng họ có chung mục tiêu kháng chiến chống lại ách đô hộ.
Nhưng vào năm 39 (sau công nguyên) ngài đã bị kẻ địch sát hại; đó cũng là “giọt nước tràn ly”, để Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa “đền nợ nước, trả thù nhà” đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán…
Nhằm tưởng nhớ công to lớn, danh nhân Đặng Thi Sách được người đời sau tôn danh là Đặng Công Đại Vương; hằng năm vào ngày 10 tháng 11 âm lịch, người dân địa phương lại trang trọng tổ chức lễ hội truyền thống để thể hiện lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc đối với Ngài.
Phát biểu tại buổi lễ, Nhà sử học Dương Trung Quốc đã khẳng định vai trò của của việc dựng tượng đồng, bia đá để ghi nhận, tưởng nhớ những người có công đối với đất nước; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa giáo dục, khích lệ các tầng lớp nhân dân về niềm tự hào của thế hệ cha ông trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
“Tôi nghĩ rằng, mỗi một đền thờ của dòng họ ở đất nước ta chính là một điểm di tích hết sức có ý nghĩa của bách gia trăm họ, tất cả các dòng họ đều có chung một trách nhiệm đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của ông cha ta trong quá khứ xa xưa cũng như trong hiện tại và tương lai” Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Tại Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng, Ban Quản lý di tích hiện đang bảo tồn nhiều hiện vật quý báu liên quan đến ngài Đặng Thi Sách, bao gồm những sắc phong của các triều đại phong kiến từ thời Lê, Nguyễn đến các thời kỳ hiện đại. Đặc biệt, có những sắc phong biểu dương công lao của người dân Hạ Lôi, tôn vinh công đức của ngài Đặng Thi Sách, người đã đóng góp lớn cho cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Được biết, Tượng danh nhân Đặng Thi Sách với tư thế ngồi, được đúc bằng đồng nguyên chất, cao 1m7 (cả đế), nặng 650 kg, với kinh phí xã hội hóa từ tấm lòng hướng về Tổ tiên của bà con họ Đặng trong nước và hải ngoại.
Tại buổi lễ, Trung tướng Đặng Vũ Sơn (nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ) - Chủ tịch Hội đồng Họ Đặng TP. Hà Nội đã thay mặt Thường trực Hội đồng Họ Đặng Việt Nam cảm ơn các đại biểu khách quý và bà con Họ Đặng gần xa, đã nhiệt tình tham dự và ủng hộ, góp phần thành công cho sự kiện.
Sau Lễ “Khai quang điểm nhãn”, linh tượng được Hội đồng Họ Đặng Việt Nam tổ chức di hành qua các tỉnh thành về Đền thờ Họ Đặng Việt Nam tại tỉnh Bình Định, để tiếp tục hành trình tưởng nhớ cuộc đời, công lao, sự nghiệp cũng như vai trò quan trọng của danh nhân lịch sử Đặng Thi Sách...