Vấn đề và Sự kiện

Phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao “Cây tre Việt Nam”

Nhật Minh 09/02/2024 - 21:36

Công tác đối ngoại đã khẳng định rõ bản sắc “Ngoại giao cây tre Việt Nam”, góp phần tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới để thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao vị thế và gia tăng tiềm lực cho đất nước...

Trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu biến động phức tạp, tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức không hề nhỏ, ngoại giao "cây tre Việt Nam" đã thể hiện những bản sắc riêng giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Đặc điểm nổi trội của cây tre là dẻo dai, giàu sức sống, dễ thích nghi với môi trường. Tre thường sống kết thành bụi, thành lũy, thậm chí thành rừng, rễ tre bám sâu vào lòng đất. Trong mỗi bụi tre, lũy tre, rừng tre, cây to khỏe ở ngoài che đỡ cho cây non, tre già măng mọc. Gốc tre vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường, không gió bão nào quật ngã được. Ngoại giao “cây tre Việt Nam” bén rễ từ nền văn hóa Việt Nam với truyền thống hòa hiếu nhưng cũng rất quật cường.

ngoai-giao-cay-tre-2.jpg
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cây tre Việt Nam - Rễ khỏe, thân chắc, cành uyển chuyển

Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam cuối năm 2023 về trường phái “Ngoại giao cây tre”, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đây là sự tổng kết và khái quát hóa rất cao nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam được xây dựng và phát triển trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc đã trường tồn qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Theo Bộ trưởng, hình tượng “cây tre Việt Nam” đã phản ánh sinh động, nhưng rất giản dị, dễ hiểu về những nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng ta cũng như bản sắc độc đáo của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Cụ thể, “gốc vững” là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc, là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo thế, lập thời.

Trong khi đó, “thân chắc” là phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là nhân tố căn bản, sống còn; là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật. Cành uyển chuyển là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; là cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết tiến, biết thoái”, “biết dừng, biết biến”…

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư chính là kim chỉ nam cho ngoại giao Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và đã được quán triệt sâu rộng trong toàn ngành quyết tâm xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, vững mạnh, mạng đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”.

Trong khi đó, chia sẻ bên lề Hội nghị Ngoại giao 32, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, vận dụng nguyên tắc ngoại giao cây tre, chúng ta đã làm rõ với các nước, các đối tác về những lợi ích căn bản của đất nước, những giá trị mà Việt Nam theo đuổi và sẽ không thay đổi, kiên quyết bảo vệ. Theo ông, chính sự chắc chắn về chiến lược, về lợi ích và sự uyển chuyển trong cách thức ngoại giao đã tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện được quan điểm của mình và có những điều phù hợp với xu thế chung, từ đó có thêm bạn, thêm đối tác.

Còn Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam thì nhận định, nền ngoại giao Việt Nam mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam là rất đúng đắn. Gắn với hợp tác trong ASEAN, Đại sứ Vũ Hồ cho rằng bất cứ quốc gia nào muốn tồn tại đều phải dựa vào quan hệ với các nước láng giềng, để phục vụ cho mục tiêu cao cả nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc. Quan hệ của Việt Nam với ASEAN, với các nước thành viên ASEAN nói riêng và hoạt động của Việt Nam trong ASEAN nói chung đều nhằm mục tiêu cao cả nhất là phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trên cơ sở đó, quan trọng nhất là xây dựng, thiết lập lòng tin, bảo đảm đối thoại và hợp tác là công cụ chủ yếu trong hoạt động của Việt Nam trong ASEAN và trong quan hệ của Việt Nam với từng nước thành viên.

Công cụ ngoại giao kinh tế kiểu mới

Những thành tựu ngoại giao của Việt Nam cũng được thể hiện trong lĩnh vực kinh tế. Thực hiện chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”, bám sát tư duy mới về ngoại giao kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã triển khai đồng bộ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong một bài viết đăng tải ngày 28/12/2023, hãng tin Reuters (Anh) nhận định, đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023 ngày càng năng động với những thành tựu rất đặc biệt là nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt trên thế giới gồm cùng với những hiệp định ngoại giao quan trọng. Cụ thể, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9/2023. Trong chuyến thăm này, hai nước cũng ký kết thỏa thuận hợp tác về chất bán dẫn, khoáng chất thiết yếu trong sản xuất chip bán dẫn. Hiện Mỹ coi Việt Nam là một trong những "mắt xích" chiến lược ở Đông Nam Á trong nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững.

Tiếp theo, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới nhân dịp Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2023, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Việt Nam và Nhật Bản cũng nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế.

chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-phat-bieu-tai-quoc-hoi-nhat-ban-2(1).jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2023. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, trước khi khép lại năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc cùng thống nhất làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương thông qua tuyên bố chung về xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” Việt Nam-Trung Quốc, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 12-13/12/2023. Trong chuyến thăm này, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương của hai nước đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, liên quan đến các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, thương mại, an ninh và kinh tế số…

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, việc chúng ta nâng cấp quan hệ với các nước trong năm qua đã tạo đột phá trong hợp tác kinh tế với nước này, mở ra nhiều cơ hội cho địa phương và doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh thực hiện hiệu quả các FTA đã ký, năm 2023, chúng ta đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel và đang tích cực đàm phán FTA với các đối tác khác; ký trên 70 văn kiện hợp tác của các bộ, ngành và gần 100 thỏa thuận hợp tác của các địa phương và hàng trăm thỏa thuận của các doanh nghiệp... Kết quả là, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu tăng 6-7%, thu hút đầu tư FDI trên 28 tỷ USD.

tong-bi-thu-3-01.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà. Ảnh: TTXVN

Bước vào năm 2024, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro, bên cạnh cơ hội, thuận lợi, cũng có những thách thức và tác động không thuận. Tiếp tục quán triệt các chủ trương, định hướng của Đảng về ngoại giao kinh tế, sát Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 và diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục tranh thủ tốt thế và lực mới của đất nước, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm thành các chương trình, dự án hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả, nhất là về mở rộng thị trường, tiếp cận các nguồn vốn mới cho phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, thu hút du lịch, xuất khẩu lao động có tay nghề. Bên cạnh đó, cùng các ngành, các địa phương chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác kinh tế với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng. Nâng cao hiệu quả hỗ trợ các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên tinh thần “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao “Cây tre Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO