Du lịch

Núi Ba Thê: Nơi dừng chân khám phá những điểm kỳ bí

Bảo Dương- Hùng Hải 01/11/2023 - 16:46

Mặc dù không phải vào thời điểm Tết Nguyên đán hay ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy âm lịch, nhưng Thoại Sơn (An Giang) vẫn cuốn hút du khách hành hương, ngoạn cảnh, đặc biệt là tận hưởng cảnh thiêng trên non cao.

7.-toan-canh-dong-bang-ba-the-oc-eo-nhin-tu-san-thach-dai-dao.jpg
Toàn cảnh đồng bằng Ba Thê - Ốc Eo nhìn từ sân Thạch Đại Đao.

Theo truyền thống văn hóa Á Đông, ngày rằm là dịp để mọi người đi viếng chùa cầu bình an. Do đó, những ngày qua phật tử và du khách gần xa liên tục đổ về Thoại Sơn đến tham quan các điểm du lịch như: Thiền viện Trúc Lâm An Giang, Linh Sơn Cổ tự thuộc Quần thể di tích Óc Eo, Sơn Tiên tự (núi Ba Thê), chùa Kal-Bô-Prưk…

Núi Ba Thê nằm giữa cánh đồng tứ giác Long Xuyên, thuộc thị trấn Óc Eo huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách Long Xuyên khoảng 40km, nằm trong cụm núi gồm 5 núi, trong đó núi Ba Thê lớn nhất với độ cao 221m.

Núi Ba Thê không sở hữu độ cao hùng vĩ như những dãy núi trùng điệp ở vùng núi Tây Bắc nhưng đổi lại phong cảnh ở ngọn núi nhỏ này toát lên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình.

4.-nha-bao-quan-dai-thanh-dao-tren-nui-ba-the.jpg
Nhà bảo quản Đại Thanh Đao trên núi Ba Thê.

Đặc biệt, chùa Sơn Tiên là một điểm đến không thể bỏ qua đối với khách hành hương đến đây.

Chùa được xây dựng vào năm 1933, có tượng Phật Thích ca trong chánh điện, tượng Quan Âm lộ thiên ngó xuống đồng bằng, xung quanh chùa bao phủ bởi cây rừng, gió núi. Cạnh chánh điện có một tảng đá hoa cương cao khoảng 3m, tồn tại lâu đời bên trên có dấu vết “bàn chân người” to hơn bình thường một chút nhìn rất rõ.

2.-ban-chan-tien-to-hon-ban-chan-nguoi-do-thien-nhien-tao-.jpg
Dấu vết “bàn chân người” hay còn gọi "bàn chân tiên".

Truyền thuyết kể lại rằng, lúc mới tạo sơn, đá núi còn mềm như đất sét, có một vị tiên đã ấn dấu chân mình lên mặt tảng đá này nên để lại dấu chân đến ngày nay. Và điểm di tích này được bảo tồn thành địa chỉ du lịch của huyện Thoại Sơn nói riêng và của tỉnh An Giang nói chung.

Đến tham quan vùng Thoại Sơn, chị Ngô Thị Kim Thúy, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Núi Ba Thê xưa nay luôn nổi tiếng là nơi du lịch tâm linh đẹp và thu hút nhiều du khách đến hành hương, thưởng ngoạn.

Nhân dịp rằm tôi đã đưa gia đình đến tham quan lễ bái để cầu an, mong gia đình mạnh khỏe. Là giáo viên dạy môn lịch sử, địa lý sắp tới mong muốn của chúng tôi là đưa học sinh đến nơi này để tham quan vì phong cảnh ở đây vừa rất đẹp vừa nên thơ, có nhiều điều thú vị để trải nghiệm”.

1.-du-khach-vieng-chua-son-tien.jpg
Du khách viếng chùa Sơn Tiên.

Ngoài khuôn viên chùa Sơn Tiên rộng lớn, đỉnh núi Ba Thê còn làm mê mẩn du khách bởi khung cảnh thiên nhiên nơi đây bình yên và thơ mộng, du khách lạc vào không gian yên ả mộc mạc giữa núi rừng đôi khi bắt gặp những tầng mây bay lững lờ trông rất huyền bí, mang lại cảm giác đầy thú vị…

Trên đỉnh núi này còn dựng một bia chiến công của quân giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên tấm bia đá có ghi: “Nơi đây, ngày 6/5/1968, Đội biệt động Ba Thê do đội trưởng Nguyễn Văn Muôn chỉ huy đã dũng cảm, mưu trí đánh tiêu diệt 29 tên địch đóng đồn Hoa Thế Sơn”.

6.may-bay-lo-lung-om-vach-nui-tao-hinh-anh-an-tuong-trong-khong-gian-rung-nui-ba-the.jpg
Mây bay lững lờ ôm vách núi.

"Đây là lần đầu tôi đến Ba Thê thấy phong cảnh ở đây rất yên bình và thơ mộng, đặc biệt, là trải nghiệm ngắm nhìn bàn chân tiên cạnh Sơn Tiên tự. Đợi các dịp lễ, tết tiếp theo tôi sẽ rủ thêm bạn bè về đây trải nghiệm", chị Trinh, một du khách ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, chia sẻ.

Ngoài chiêm ngưỡng, lễ bái Phật tại chùa Sơn Tiên, phía Bắc của núi còn có các danh thắng khác như: hang Ông Hổ, Linh Sơn Cổ Tự. Trên đỉnh núi có một thanh đại đao bằng đá, trông sừng sững, uy nghi.

Truyền miệng dân gian nơi đây kể rằng, từ rất xa xưa, trong một đêm mưa gió, lưỡi tầm sét đã đánh vào tảng đá lớn trên đỉnh núi này, tảng đá bị chẻ nhỏ, hiện lên một cây đại đao.

5.-bia-chien-cong-cua-doi-quan-giai-phong-duoc-dat-tren-nhung-tang-da-phia-truoc-ben-phai-chanh-dien-chua-son-tien.jpg
Bia chiến công.

Từ đó, núi có Thạch Đại Đao và người ta đã dựng cây đại đao “trời cho” bằng đá này vươn cao trên đỉnh núi, chĩa thẳng lên mây trắng trời cao, dựng miếu thờ và tượng Phật, cầu cho hùng khí hưng phát, non sông, đất nước bền vững.

Cao nhất của núi Ba Thê là chót Ông Tà, dưới chân núi Ba Thê cách ngôi đình thờ cụ Phan Thanh Giản là ngôi chùa Kal-Bô-Prưk có lịch sử hơn 200 năm và một khu chợ mua bán khá nhộn nhịp.

Một ngày thưởng ngoạn cảnh rừng núi An Giang, đặc biệt là tận hưởng không khí trông lành, ngắm nhìn đồng tứ giác Long Xuyên từ sân chùa Sơn Tiên đỉnh núi Ba Thê chắc hẳn du khách sẽ có nhiều thú vị khó quên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Núi Ba Thê: Nơi dừng chân khám phá những điểm kỳ bí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO