Gần đây, nhiều vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo được các cơ quan tố tụng điều tra xử lý, trong đó không ít vụ đối tượng lợi dụng thủ đoạn lừa "chạy án" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một số vụ án điển hình
Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã thụ lý, điều tra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hành vi “chạy án”. Điều đó cho thấy, việc lừa đảo thông qua hình thức này vẫn còn diễn biến phức tạp.
Điển hình như cuối tháng 1/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố bị can Nguyễn Tiến Dũng (SN 1972, trú phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Dũng là lao động tự do, nhưng lợi dụng quen biết với các bị hại, đối tượng này đã thông tin tới nạn nhân ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) rằng, mình có mối quan hệ với các cơ quan tố tụng, có thể “chạy án”. Tin tưởng, người thân của bị can bị bắt vì liên quan đến ma túy đã chuyển tiền nhờ Dũng "chạy án". Tuy nhiên, sau khi nhận 600 triệu đồng từ gia đình bị can, Dũng đã dùng để tiêu xài và đầu tư kinh doanh trên mạng xã hội.
Trước đó, vào tháng 9/2023, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Xuân Bắc (SN 1988), trú thị xã Thái Hòa (Nghệ An) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 7/2021, Vũ Xuân Bắc biết tin một người đàn ông ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) bị Công an bắt tạm giam do khai thác khoáng sản trái phép. Người nhà bị can này đang tìm cách xin cho bị can được tại ngoại.
Thời điểm này, Bắc đang làm việc tại Hà Nội nhưng khi nghe thông tin trên liền tiếp cận với người thân bị can để thực hiện hành vi lừa đảo. Bắc tự giới thiệu bản thân có nhiều mối quan hệ, có khả năng “chạy án” giúp bị can được tại ngoại với giá 30.000 USD.
Sau đó, Bắc liên hệ với một người đàn ông ở TP. Hà Nội nhờ kết nối để gặp một vị lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An xin tại ngoại cho bị can kể trên nhưng bị từ chối. Tuy nhiên, Vũ Xuân Bắc vẫn tiếp tục nói với bà O. có thể “chạy án” để chồng bà này được tại ngoại.
Tin tưởng nên bà O. đã đưa 20.000 USD cho Vũ Xuân Bắc. Sau đó, Bắc đưa lý do cần biếu “sếp” ở Hà Nội nên yêu cầu bà O. chuyển thêm 10.000 USD.
Sau khi đưa đủ tiền cho Bắc để “chạy án” mà không thấy thông tin gì về chồng mình, bà O. tìm hiểu thì phát hiện đã bị lừa. Do đó, bà O. đã làm đơn tố cáo Bắc tới cơ quan Công an.
Tại phiên tòa, Vũ Xuân Bắc khai vì cần tiền tiêu xài nên đã dùng thủ đoạn trên để lừa đảo. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Vũ Xuân Bắc 9 năm tù.
Nâng cao cảnh giác để tránh “tiền mất tật mang”
Thời gian qua dù lực lượng chức năng đã có nhiều cảnh báo nhưng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến chạy án vẫn tồn tại và có xu hướng ngày càng tăng. Có thể thấy, lợi dụng tâm lý lo lắng của người thân các bị can, phạm nhân đang bị giam giữ, muốn lo lót để các đối tượng này được giảm án, sớm trở về với gia đình, nhiều đối tượng đã “nổ” có nhiều mối quan hệ quen biết để chạy án. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí vay mượn tiền tỷ để nhờ người chạy án.
Tội phạm trong lĩnh vực này cũng vì thế mà hết sức đa dạng, từ những người không nghề nghiệp, có tiền án tiền sự đến cán bộ, công chức. Thực tế cho thấy, đa phần các đối tượng sau khi chiếm được lòng tin, nhận được tiền đều sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, cơ quan Công an khuyến nghị, việc các cơ quan chức năng bắt tạm giữ, tạm giam, thi hành án... sẽ được thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, không ai có thể can thiệp.
Do đó, người dân cần lưu ý để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, tránh rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Bởi thực tế, không chỉ người chạy án phải chịu trách nhiệm hình sự mà ngay cả người đưa tiền nhờ “chạy án” cũng có thể vướng vào lao lý.