Chiều 10/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tăng lương thêm 0,8 lần cho cán bộ, công chức, viên chức
Trình bày Tờ trình Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).
Dự thảo quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền TP thuộc TP Hà Nội (dự kiến thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc - TP logistics, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây - TP về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai), với những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Đáng chú ý, tương tự cơ chế áp dụng cho TP Hồ Chí Minh, Dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về chính sách xã hội, quy định HĐND TP Hà Nội quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội... Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô.
3 lĩnh vực được phạt tiền cao hơn
Về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, dự thảo bổ sung 3 lĩnh vực mà Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, gồm phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo. Quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy.
Đối với chính sách tài chính, ngân sách và đầu tư, Hà Nội được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức khác trong nước và từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành không phụ thuộc vào hạn mức trần. Ngân sách TP giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của TP để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, dự án PPP, giao thông công cộng, hỗ trợ di dời cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỷ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hằng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.
Bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô.
Theo ông Tùng, các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan. Đồng thời, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt.
“Các nội dung đã và đang thực hiện thí điểm ở Hà Nội và các địa phương khác qua sơ kết, tổng kết thấy có hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô, có sự thống nhất cao thì nghiên cứu đưa vào Luật; nội dung trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét, thông qua thì Luật Thủ đô cũng có thể quy định mức đặc thù cao hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.