BVCL - Tại Hội nghị triển khai công tác Toà án năm 2021, đồng chí Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội đã có những chia sẻ về một số kết quả nổi bật trong công tác xét xử các vụ án tham nhũng, nghiêm trọng phức tạp.
Theo Chánh án Nguyễn Hữu Chính, những năm gần đây, tình hình tội phạm còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, các tranh chấp kinh doanh thương mại, khiếu kiện hành chính có chiều hướng gia tăng. Trong điều kiện cơ sở vật chất, biên chế còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, TANDTC, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, cùng sự đồng lòng, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, TAND TP Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm dự được giao; đặc biệt là từ năm 2013 đến nay TAND TP Hà Nội đã giải quyết được 60 vụ/ 522 bị cáo thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội theo dõi.
Các bản án thể hiện tính nhân văn sâu sắc
Các vụ án đều được TAND TP Hà Nội khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương. Phán quyết của Tòa án được lập luận chặt chẽ, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng, giảm nhẹ đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường thiệt hại và khắc phục số tiền chiếm hưởng. Bản án thể hiện tính nhân văn sâu sắc, được dư luận đồng tình và đánh giá cao; đáp ứng được yêu cầu và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Bên cạnh sự thành công đã được các cấp, các ngành và dư luận ghi nhận, trong tham luận này, chúng tôi chỉ nêu và phần tích một số điểm nổi bật, mang tính đặc thù mà TAND TP Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua, trong một số vụ án đã được xét xử thành công.
Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bị truy tố về các tội “Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau hơn 10 ngày xét xử, HĐXX đã xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù giam; Điểm đặc biệt nổi bật của phiên tòa này là mặc dù mức án HĐXX áp dụng rất nhiêm khắc, nhưng qua quá trình tranh tụng công khai, dân chủ, khách quan tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, các luật sư và các bị cáo đều đồng tình với phán quyết của Tòa án; tại tạp chí Luật sư số 4 tháng 6/2014 cũng đã ghi nhận: “Không phải ngẫu nhiên mà trong lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã gửi gắm lòng tin vào HĐXX rằng: Bản án của HĐXX không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi mà sâu xa hơn, còn là một bằng chứng cho thấy đất nước này có một Nhà nước pháp quyền và pháp luật công minh”.
Trong vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Nét nổi bật trong quá trình xét xử vụ án này là phán quyết của Tòa án đã cá thể mạnh mẽ hình phạt của từng bị cáo, nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu nhưng cũng rất nhân văn đối với các bị cáo ăn năn hối cải, vị trí vai trò thứ yếu. HĐXX đã xử phạt tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân đối với Hà Văn Thắm nhưng áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ đối với 35 bị cáo trên tổng số 51 bị cáo bị truy tố.
Điểm nổi bật thứ hai trong vụ án này là thông qua kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX đã chủ động kiến nghị cơ quan điều tra 08 nội dung liên quan đến một số vấn đề trong công tác quản lý nhà nước, chính sách quản lý kinh tế và kiến nghị làm rõ những hành vi có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Liên quan đến các kiến nghị này, đến nay cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố và TAND TP Hà Nội cũng đã tiến hành xét xử hàng loạt vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam; Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsopetro; Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ án Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PVN và vụ án Trần Đức Chính, nguyên Trưởng ban tài chính kiêm kế toán trưởng Viện dầu khí Việt Nam...
Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Có ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC. Đây cũng là vụ án được dư luận trong nước cũng như quốc tế rất quan tâm theo dõi, qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, các bị cáo đều ăn năn, hối cải, hối hận về hành vi phạm tội của mình, tất cả 22 bị cáo trong vụ án này đều bày tỏ sự cảm ơn Hội đồng xét xử và cho rằng phiên tòa diễn ra một cách dân chủ, công khai, khách quan, công tâm; bị cáo Đinh La Thăng đã phát biểu rằng phiên tòa được tiến hành đổi mới theo đúng tinh thần cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước và công khai xin lỗi Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư và xin mức hình phạt nhẹ nhất.
Vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu - AVG. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, số tiền các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước là đặc biệt lớn. Trước khi tiến hành xét xử, các bị cáo mới chỉ khắc phục một phần số tiền thiệt hại cho nhà nước; tuy nhiên qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, các bị cáo đã động viên người nhà khắc phục toàn bộ số tiền các bị cáo chiếm hưởng trong vụ án này là hơn 06 triệu USD. Có thể nói, đây là vụ án tham nhũng đầu tiên ở nước ta thu hồi được toàn bộ số tiền Nhà nước bị thiệt hại và số tiền chiếm hưởng của các bị cáo với giá trị lên tới hơn 6.600 tỷ đồng. Đây cũng là phiên tòa điển hình trong việc điều hành khéo léo của HĐXX làm thay đổi diễn biến tâm lý của các bị cáo từ việc chối tội sang thừa nhận hành vi phạm tội và tự nguyện khắc phục hậu quả.
Vụ án vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, TP Hà Nội. Đây là vụ án hình sự mà hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra trong thời gian dài từ năm 2013 đến nay, liên quan đến tình hình an ninh nông thôn. Điều nổi bật của vụ án này là thông qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, các bị cáo đã chuyển từ thái độ chống đối, đối đầu sang tâm phục, khẩu phục, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi phạm tội, đề nghị các luật sư không cần bào chữa thêm và gửi lời xin lỗi đến gia đình các bị hại.
Mặt khác, cũng qua quá trình tranh tụng, đại diện VKS đã đề nghị thay đổi tội danh đối với 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ”; Mức án mà HĐXX áp dụng đối với các bị cáo vừa nghiêm khắc nhưng cũng đậm chất nhân văn, góp phầm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn an ninh thông thôn ở Thủ đô hiện nay; quá trình xét xử vụ án này của TAND TP Hà Nội được TANDTC và Thành ủy Hà Nội đánh giá cao.
Những khó khăn trong quá trình giải quyết các vụ án trên là thời gian nghiên cứu hồ sơ quá ngắn; hầu hết các vụ án đều có tính phức tạp, đông bị cáo, các bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, hành vi phạm tội diễn ra trên nhiều địa phương, thời gian phạm tội kéo dài, nên việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, diện truy tố. Trong khi đó, cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho việc tổ chức xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội còn hạn chế.
“Bí quyết” để thành công
Để có được sự thành công này, từ thực tiễn tổ chức xét xử các vụ án, TAND TP Hà Nội rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, Ban Cán sự đảng TANDTC, Thành ủy Hà Nội trong suốt quá trình giải quyết vụ án là tiền đề quan trọng nhất để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Thứ hai, công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng ở Trung ương và Thành phố trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu, chứng cứ, điều tra, truy tố, tổ chức xét xử là tiền đề cơ bản để giải quyết thành công các vụ án.
Thứ ba, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, việc lựa chọn các đồng chí Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, bản lĩnh chính trị vững vàng; cũng sự lãnh đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo cơ quan là tiền đề quan trọng để giải quyết thành công các vụ án.
Cùng với những kết quả nổi bật trong công tác xét xử các vụ án hình sự, trong những năm qua, TAND TP Hà Nội cũng thực hiện tốt công tác xét xử các vụ án hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết kịp thời các tranh chấp trong nhân dân và tạo hành lang pháp lý cho các quan hệ dân sự, kinh tế phát triển lành mạnh, ổn định, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; trong năm 2019 và năm 2020, để khắc phục triệt để án quá hạn, án tạm đình chỉ, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đột phá là “Nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện, án quá hạn thời hạn xét xử, án tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật”, đến nay, về cơ bản đã khắc phục được tình trạng này.
Trong thời gian tới, TAND TP Hà Nội tiếp tục được Trung ương và Thành phố tin tưởng giao nhiệm vụ xét xử một số vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm như: vụ án Vũ Huy Hoàng và đồng phạm bị truy tố về tội "vi phạm quy định quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" xảy ra tại Bộ Công thương và Sabeco đã được TAND TP Hà Nội thụ lý và dự kiến đầu tháng 01/2021 sẽ đưa ra xét xử công khai; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ethanol Phú Thọ dự kiến xét xử trước Tết Nguyên đán.
Với sự tin tưởng của Trung ương và Thành phố, TAND TP Hà Nội quyết tâm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra.