Trong nước

Những chức danh lãnh đạo được áp dụng biện pháp cảnh vệ

Nguyên Bình 23/02/2024 - 11:49

Tổng số chức danh được áp dụng các biện pháp cảnh vệ sẽ được nâng lên 39 nếu bổ sung Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC vào diện đối tượng cảnh vệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ ngày 22/2.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Qua 5 triển khai thi hành Luật xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

220220240246-z5182464033539_96c1e43a1f0b0d0081f4140ef532e2d0.jpg
Phiên họp thứ 30, UBTVQH

Trong dự luật trình lần này, Chính phủ đề xuất bổ sung 3 đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC, nâng tổng số chức danh được áp dụng các biện pháp cảnh vệ lên 39.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định đề xuất này xuất phát từ thực tiễn và để đồng bộ với quy định liên quan chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định trong trường hợp cấp thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định của luật.

Ủng hộ quy định này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc ủy quyền cho Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ là cần thiết, linh động vì thực tiễn phong phú. Tuy nhiên, ông lưu ý cần giải trình kỹ hơn về "trường hợp cấp thiết".

Đưa ra đánh giá chung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh hồ sơ dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp.

Về việc ủy quyền cho Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định của luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể hơn "trường hợp cấp thiết", để có cơ sở thực hiện thống nhất. Vì việc áp dụng các biện pháp cảnh vệ liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Số chức danh lãnh đạo được áp dụng biện pháp cảnh vệ có thể tăng lên 39 - 2

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho rằng thực tế có rất nhiều tình huống, nên không thể liệt kê hết. Do đó, theo ông Hùng, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, có thể tùy vào tình hình cụ thể để giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ với đối tượng không thuộc đối tượng cảnh vệ.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cũng khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp tiếp thu các ý kiến, rà soát kỹ hơn để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, cũng như giải trình, lập luận rõ hơn về các đề xuất, quy định.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến, tiến hành thẩm tra chính thức, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7, diễn ra vào tháng 5 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chức danh lãnh đạo được áp dụng biện pháp cảnh vệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO