Văn hóa - Thể thao

Nhạc cụ dân tộc “gõ cửa” từng trường học

Kim Sáng 27/04/2023 - 11:29

Không còn là hoạt động biểu diễn đơn thuần với hình thức “mời - đến”, nghệ sĩ Vân Anh và 2 ban nhạc Vân Anh Band và KT Band đã phối hợp với Nhà Thiếu nhi quận 10, TP.HCM thành lập dự án lan toả nhạc cụ dân tộc truyền thống tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn.

Học sinh làm đại sứ lan toả nhạc cụ dân tộc

Nhiều năm qua, nghệ sĩ Vân Anh, thủ lĩnh 2 ban nhạc Vân Anh Band và KT Band luôn đau đáu về nhạc cụ dân tộc và muốn lan toả loại hình này đến cộng đồng xã hội.

1.jpeg
Nghệ sĩ Vân Anh và 2 ban nhạc say mê lan toả nhạc cụ dân tộc

Mùa hè năm ngoái, nữ nghệ sĩ đã dành nhiều thời gian thực hiện các chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc tại quận 11. Không dừng lại ở hoạt động biểu diễn đơn thuần, nghệ sĩ Vân Anh và 2 ban nhạc ấp ủ thực hiện dự án lan toả nhạc cụ dân tộc tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

Được sự đông hành, hỗ trợ của Nhà Thiếu nhi quận 10, Vân Anh Band và KT Band bắt đầu hành trình lan toả nhạc cụ dân tộc truyền thống tại các trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn. Đến nay, các nghệ sĩ đã mang nhạc cụ dân tộc đến với nhiều điểm trường với các hoạt động biểu diễn đa dạng.

2.jpeg
2 ban nhạc biểu diễn phục vụ các em học sinh

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi quận 10, nhiều năm qua, Nhà Thiếu nhi đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức các chương trình biểu diễn, giới thiệu nhạc cụ dân tộc, tuy nhiên các hoạt động chưa thực sự tạo được dấu ấn, sự thích thú đối với các em nhỏ.

Qua mạng xã hội, chị biết đến nghệ sĩ Vân Anh cùng 2 ban nhạc, do đó chị mong muốn các nghệ sĩ sẽ đồng hành cùng Nhà thiếu nhi trong việc lan toả nhạc cụ dân tộc truyền thống trên địa bàn quận 10.

Nói đến nhạc cụ dân tộc truyền thống, không ít người sẽ nghĩ khô khan, nhàm chán nhưng Vân Anh Band và KT Band đã mang đến một luồng gió mới, giúp loại hình này trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong trường học.

Như chương trình âm nhạc dân tộc với chủ đề “Hoa nghị lực – Ngát đam mê” được tổ chức tại trường TH Hồ Thị Kỷ mới đây, hơn 1.000 em học sinh đã có những giây phút “nhún nhảy, lắc lư” trong giờ sinh hoạt đầu tuần. Trên sân khấu, các thành viên của 2 ban nhạc đã cháy hết mình với nhiều giai điệu từ truyền thống đến hiện đại, xoay quanh các nhạc cụ quen thuộc như đàn bầu, trống, đàn tứ....

3.jpeg
Buổi biểu diễn tại trường THCS Trần Phú, quận 10

Đặc biệt, sau mỗi chương trình biểu diễn, nghệ sĩ Vân Anh dành tặng 10 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho các em có đam mê với nhạc cụ dân tộc, đồng thời giảm 30% học phí khóa học hè cho những em đăng ký tham gia.

“Thông qua mỗi chương trình, các em học sinh sẽ làm đại sứ tuyên truyền và chính các em cũng là nguồn nhân lực để lan toả nhạc cụ dân tộc. Nhà Thiếu nhi quận 10 cũng đang hướng đến việc thành lập CLB nhạc cụ dân tộc để phục vụ các em học sinh trên địa bàn”, chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu nói.

Hiệu ứng tích cực

Dự án dù triển khai chưa lâu nhưng đã tạo được hiệu ứng tích cực không chỉ trên địa bàn quận 10 mà còn ở các địa phương khác, nhiều đơn vị đã đặt vấn đề với các nghệ sĩ để phát triển nhạc cụ dân tộc ở các điểm trường, nhà thiếu nhi.

4.jpeg
Nghệ sĩ Vân Anh và 2 ban nhạc lan toả nhạc cụ dân tộc tại trường Tiểu học Tô Hiến Thành, quận 10

Khác với các chương trình khác, ngoài giới thiệu nhạc cụ dân tộc, Vân Anh Band và KT Band còn hướng đến việc tuyên truyền, giáo dục để cộng đồng chia sẻ với các bạn khuyết tật có đam mê nhạc cụ dân tộc.

Theo thống kê, trên địa bàn quận 10 có gần 30 trường TH, THCS trong hệ thống công lập, trung bình 1 tháng ban nhạc sẽ đi biểu diễn ở hai trường, như vậy đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành đề án giới thiệu nhạc cụ dân tộc tại quận 10.

Dù là chương trình phi lợi nhuận nhưng các ban nhạc rất hào hứng. “Bản thân tôi luôn muốn lan toả nhạc cụ dân tộc, chỉ cần có chủ trương, sự đồng hành thì tôi sẵn sàng giới thiệu, biểu diễn. Không chỉ tại TP.HCM, tôi muốn mang giá trị văn hoá, lịch sử của quê hương đi khắp Việt Nam và cả thế giới”, nghệ sĩ Vân Anh bộc bạch.

5.jpeg
Các thành viên KT Band (ban nhạc khiếm thị- PV) trong một buổi biểu diễn tại trường THCS Hòa Hưng, quận 10

Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Trọng Khánh - Hiệu trưởng trường TH Hồ Thị Kỷ, quận 10 cho biết rất tâm đắc với dự án của 2 ban nhạc và Nhà Thiếu nhi quận 10.

“Chương trình rất thiết thực, ý nghĩa, góp phần giới thiệu cho các em học sinh về những tấm gương nghị lực sống”, ông Khánh nói.

Nhiều năm qua, nhà trường cũng chú trọng phát triển âm nhạc dân tộc, trong đó có xây dựng phòng trưng bày các loại nhạc cụ để giúp các em học sinh hiểu và thêm yêu loại hình này.

Là một người say mê nhạc cụ dân tộc, nhất là đàn tranh, nhà giáo ưu tú (NGƯT) Phạm Thuý Hoan bày tỏ sự vui mừng khi nhạc cụ dân tộc được phát triển rộng rãi. Cô đề cao định hướng thành lập CLB nhạc cụ dân tộc của Nhà Thiếu nhi quận 10 và dự án lan toả nhạc cụ của đơn vị này với 2 ban nhạc Vân Anh Band và KT Band.

“Chủ trương rất tốt nhưng những người tổ chức nên có biện pháp khơi gợi sự yêu thích của các em thay vì áp đặt, ví dụ như tổ chức hội diễn, trao tặng giải thưởng… để đánh vào tâm lý trẻ em. Theo tôi có thể đưa nhạc cụ dân tộc giới thiệu với các em từ độ tuổi mẫu giáo, từ những bộ gõ đơn giản, lồng ghép thêm những bài hát ru, đồng dao để nuôi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tiềm thức của các em về nhạc cụ dân tộc”, NGƯT Phạm Thuý Hoan nói.

6.jpeg
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu và nghệ sĩ Vân Anh trao học bổng nhạc cụ dân tộc cho các em học sinh

Cũng theo NGƯT Phạm Thuý Hoan, dự án phát triển nhạc cụ dân tộc học đường rất cần sự đồng hành của những cơ quan có thẩm quyền như Sở Văn hoá Thể thao để tạo động lực cho các đơn vị thực hiện.

Hy vọng rằng với sự nỗ lực của các nghệ sĩ và sự đồng hành, hỗ trợ của các đơn vị, nhạc cụ dân tộc sẽ sớm “phủ sóng” để ngoài những bản nhạc trẻ, nhạc cụ phương tây, các em nhỏ sẽ biết đến đàn tranh, đàn tứ, sáo trúc… của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc cụ dân tộc “gõ cửa” từng trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO