Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

T.Trang| 22/10/2022 08:03

BVCL - Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, sáng 22/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về:

- Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

vnapotalquochoinghetrinhbaymotsoduthaonghiquyetvabaocaoquantrong6396795-166636210659484790475-crop-16663621181621489747043.jpg

- Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

- Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thể chế hóa chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cùng các cơ quan hữu quan đã khảo sát, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri; làm việc với một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất nội dung tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.

Qua tiếp thu, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung, hiện Dự thảo Luật có 06 chương và 92 điều; so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 thì đã giảm 01 chương, tăng 18 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục, tiểu mục trong các chương của dự thảo Luật cho hợp lý; đã đáp ứng quan điểm, mục đích ban hành Luật và phù hợp với định hướng xây dựng Luật là nhằm tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, thực hành đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở.

Các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật đã đạt được sự đồng thuận cao của cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung trong Báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Đồng thời đánh giá cao Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan trong thời gian ngắn đã tiếp thu, giải trình đầy đủ, cơ bản, chi tiết các nội dung đại biểu Quốc hội nêu và tổ chức lấy ý kiến của nhiều cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và Nhân dân để tiếp thu, giải trình. Hồ sơ đảm bảo đầy đủ, chi tiết và đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung dự thảo Luật đã được thiết kế, sửa đổi, chỉnh lý, thống nhất về kết cấu, bố cục và các nội dung cụ thể của các chương, mục, điều, khoản. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, dự thảo Luật đã đáp ứng các yêu cầu, mục đích, chính sách đặt ra, thể chế hóa được chủ trương Đại hội XIII của Đảng về "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" một cách cụ thể, chi tiết, dễ hiểu so với dự án Luật mà Quốc hội đã thảo luận.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Luật này có thiết kế một chương riêng điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động như phương án mà các cơ quan đã trình. Về xác định chủ thể và cách thức tổ chức Nhân dân tham gia bàn, quyết định những nội dung quan trọng ở tổ dân phố, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rằng, đại diện hộ gia đình, tỷ lệ đồng thuận 2/3, 50% trong những trường hợp như báo cáo. Về Ban thanh tra nhân dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tổ chức Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, bao gồm cả doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động để tạo thống nhất, bình đẳng. Đề nghị các cơ quan phối hợp rà soát thêm về nội dung hỗ trợ kinh phí cho Ban thanh tra nhân dân nhằm bảo đảm tính khả thi và không xung đột với các luật khác, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời làm rõ hơn vấn đề liên quan đến đại diện người lao động tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có sử dụng lao động ở nơi mà không có tổ chức công đoàn.

Về nội dung người dân thụ hưởng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, tuy nhiên đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung các nội dung người dân được thụ hưởng. Trong đó có nội dung người dân được thông tin về mức hỗ trợ an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Trung ương, địa phương để người dân biết và thụ hưởng theo các chính sách và các nội dung khác…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO