Trong vài năm qua, ngành dệt may đã chịu ảnh hưởng nặng nề do covid và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy vẫn gặp khó khăn về giá cả; cạnh tranh các đơn hàng nhỏ lẻ; mẫu mã khó và phức tạp hơn, nhưng với nỗ lực của các doanh nghiệp nên vẫn giữ được mối quan hệ với các bạn hàng.
Đơn hàng cải thiện, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm may mặc, thời trang tại một số thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục, tạo đà cho việc thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào chặng đường nước rút cho việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng những tháng cuối năm...
Theo đó thị trường ngành dệt may đang dần ấm lên. Thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 8/2023 ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tương đương với tháng 7. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong 3 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã tăng trở lại từ mức đáy hơn 3 tỷ USD của tháng 5. Các đơn hàng cho quý 4 tại nhiều doanh nghiệp đã nhiều hơn trước.
Thị trường dệt may những tháng cuối năm đã ấm lại và dần ổn định. Cụ thể hơn, đơn hàng tuy còn thiếu nhưng các doanh nghiệp vẫn đảm bảo việc làm cho công nhân trong quý 4.
Hiện nay, nhiều quốc gia đang áp dụng các tiêu chuẩn xanh đối với hàng nhập khẩu, trong đó có dệt may. Vì vậy, để thích ứng với thị trường và nâng kim ngạch xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư mạnh cho công nghệ, chuyển hướng sang phát triển xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải đầu tư và sử dụng những sản phẩm thiên nhiên là Năng lượng Mặt Trời, năng lượng áp mái. Tuân thủ và triệt tiêu được những đòi hỏi và thách thức của toàn cầu, đó là không sử dụng các nồi hơi đốt bằng than, dầu, củi… nhằm thực hiện mục tiêu tại hội nghị COP 26 mà Chính phủ đã ký và cam kết.
Ngành dệt may đang từng bước "hồi sinh" sau những ảnh hưởng nặng nề. Việc thay đổi định hướng phát triển, đầu tư mạnh cho công nghệ ... sẽ là yếu tố mang đến cơ hội phát triển của ngành này.