Chị N.T.N ở Hà Đông, Hà Nội gọi đến tòa soạn hỏi về việc, nếu chồng chị khởi kiện ly hôn, chị có được bồi thường tuổi thanh xuân hay không?
Chị N.T.N cho biết Vợ chồng chị ăn ở với nhau đến nay đã được 20 năm, đã có 2 mặt con, con trai đầu năm nay 18 tuổi, con gái thứ 2 năm nay 16 tuổi. Hai vợ chồng sống hòa thuận, nhưng chồng chị sống gia trưởng, luôn nghe lời mẹ. Ngay từ khi mới về làm dâu bà đã không ưa chị, chính vì vậy mẹ chồng nàng dâu hay xảy ra xích mích. Đến nay chồng chị nghe lời mẹ đòi ly hôn với chị, mặc dù chị không muốn ly hôn, nhưng đã hòa giải 2 lần, chồng chị vẫn kiên quyết ly hôn. Trong lần hòa giải cuối cùng chồng chị yêu cầu chị N.T.N ra khỏi nhà và chồng chị chỉ chu cấp cho cô con gái 3 triệu một tháng.
Khi lấy nhau vợ chồng chị N.T.N không có tài sản riêng, nhà hiện tại vợ chồng chị N.T.N đang ở là nhà của bố mẹ chồng, chị N là cán bộ công chức của viện khoa học, mức lương ổn định, toàn bộ lương và thưởng chị N.T.N đều dành hết chăm lo cho gia đình cùng chồng nuôi các con ăn học, đến thời điểm hiện tại chị N không có một khoản tiền tiếp kiệm nào để riêng.
Vậy mà trước hai lần hòa giải chồng chị N đều không cho chị ở lại. khi được tòa hỏi chồng chị N “Nếu ly hôn chị N ở đâu, chồng chị N trả lời không cần biết” Trong trường hợp này Luật sư cho biết, nếu ly hôn chị N.T.N có được bồi thường tuổi thanh xuân hay không? Hay chị N.T.N phải ra khỏi nhà bằng hai bàn tay trắng?
Với vụ việc trên Luật sư Ngô Thanh Ba, đoàn Luật sư TP. Hà Nội trả lời:
Về nghĩa vụ cấp dưỡng:
Tại Điều 82 LHNGĐ2014 và Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định các bên được phép thỏa thuận về mức cũng như phương thức cấp dưỡng, nhưng phải đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho con. Trường hợp không thoả thuận được Tòa án sẽ dựa trên thu nhập và khả năng thực tế của người trực tiếp nuôi dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng để đưa ra mức và phương thức cấp dưỡng hợp lý, nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.
Trong trường hợp này, xét thấy chồng chị N đưa ra mức cấp dưỡng với mức cấp dưỡng 3 triệu/tháng cho con gái 16 tuổi (chưa thành niên) là hợp lý.
Về vấn đề liên quan đến khoản “đền bù tuổi thanh xuân”
Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam hiện nay không quy định cụ thể về khái niệm "đền bù tuổi thanh xuân" khi ly hôn. Tuy nhiên, căn cứ vào nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn quy định tại Điều 59 LHNGĐ2014 và hướng dẫn cụ thể tại Đ7 Thông tư liên tịch ngày 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016, khi xét đến việc phân chia tài sản hoặc hỗ trợ sau ly hôn, pháp luật có những nguyên tắc nhằm đảm bảo sự công bằng, đặc biệt là đối với những người đã hy sinh hoặc đóng góp lớn cho hôn nhân mà không nhận lại được lợi ích tương xứng.
Trong trường hợp của chị N vợ chồng không có tài sản riêng, vậy nên những phần tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân đều được coi là tài sản chung vợ chồng căn cứ theo khoản 1 Điều 33 LHNGĐ2014. Nếu người vợ không chứng minh được tỷ lệ công sức đóng góp vào tài sản chung, xét đến trường hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ quy định tại Khoản 3 Điều 33 và Khoản 5 Điều 59 LHNGĐ2014, người vợ có thể yêu cầu Toà án phân chia một phần tài sản để đảm bảo điều kiện sinh sống và làm việc của mình.
Căn cứ vào Điều 61 LHNGĐ2014 về chia tài sản trong trường hợp vợ chồng chung sống với gia đình, người vợ có thể được bù đắp một khoản tương xứng nếu chị có đóng góp vào việc cải tạo, sửa chữa hoặc nâng cấp nhà trong quá trình sống chung, thì có thể yêu cầu tòa án xem xét phần đóng góp đó và yêu cầu bồi thường giá trị cải tạo.