Do nắng nóng, nước về các hồ thủy điện thấp nên EVN dự kiến trong tuần tới vẫn phải cắt điện ở miền Bắc nhưng ở mức thấp nhất.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung cấp điện trong nửa đầu tháng 6.
Trong báo cáo, EVN cho biết đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được các kết quả nhất định. Hiện nay, EVN đã có thể đảm bảo cung cấp điện cho toàn bộ các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam từ Hà Tĩnh trở vào (36/63 tỉnh, thành phố).
Nhưng do tình trạng nước về rất kém của các hồ thủy điện phía Bắc, nên từ 1/6, EVN đã phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở miền Bắc.
Theo dự báo thời tiết, từ ngày 18/6, miền Bắc tăng nhiệt trở lại và duy trì nền nhiệt 36-37 độ C trong gần một tuần. Mực nước về các hồ thủy điện dù đã cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp và chưa có thông tin lũ về trên các hồ ở miền Bắc.
Do đó, EVN cho biết vẫn phải giảm nhu cầu sử dụng điện cho tới khi có nước về các hồ thủy điện.
EVN dự kiến mức cắt giảm ở miền Bắc trong tuần tới là 2.000-2.500 MW. Song mức này thấp hơn khoảng 20-30% công suất tiết giảm bình quân những ngày đầu tháng 6 và bằng một nửa mức tiết giảm của ngày cao nhất 5.000 MW.
EVN cho hay, việc cắt điện ở miền Bắc giảm dần từ 6-15/6 so với hồi đầu tháng, nhờ điều kiện thủy văn cải thiện, có mưa diện rộng trên các lưu vực sông phía Bắc.
Thời tiết mát nên nhu cầu sử dụng điện giảm, công suất tiết giảm trung bình ở miền Bắc tuần qua khoảng 1.825 MW, tương ứng sản lượng điện không đáp ứng nhu cầu sử dụng gần 8%.
Với nền nhiệt độ miền Bắc đã hạ nhiệt nên trong 3 ngày (từ 13-15/6), khu vực Hà Nội đã không phải cắt điện. Các khu vực còn lại của miền Bắc, việc cắt điện đã giảm dần và đến ngày 15/6, công suất tiết giảm trung bình chỉ còn 1.319MW, chiếm khoảng 5,7% công suất sử dụng.
Nhưng nhu cầu dùng điện tăng trở lại từ 16-17/6. Số liệu cập nhật của EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy nhu cầu cả nước ngày 16/6 hơn 861 triệu kWh, trong đó gần một nửa là miền Bắc. Tỷ trọng dùng điện ở miền Trung là 8% (69,2 triệu kWh) và 44% tại miền Nam, xấp xỉ 378 triệu kWh.
Số liệu từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 16/6, các hồ lớn đều trên mực nước chết nhưng chưa nhiều. Nếu vận hành phát điện tối đa chỉ duy trì được 2-4 ngày.
Hiện các hồ đang tích thêm nước để đảm bảo phát điện cho những ngày nắng nóng sắp tới.
Tuy vậy, sự cố tại các nhà máy nhiệt điện than vẫn còn ở mức cao với các nhà máy gặp sự cố dài ngày có tổng công suất là 2.100MW; nhà máy gặp sự cố ngắn ngày là 660MW.
EVN cho biết trong các ngày tới sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thủy văn của các nhà máy thủy điện, điều chỉnh ngay khi có thay đổi nhằm "đảm bảo lượng công suất cắt giảm là thấp nhất". Về việc cung ứng than, EVN cho biết nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than trên cả nước đã được đảm bảo.
Tồn kho than tại các nhà máy hầu hết đều ở mức trên một tuần vận hành. Một số nhà máy có tồn kho tương đương số ngày vận hành lên tới cả tháng như Phả Lại 2, Nghi Sơn 1, Vũng Áng. Một số nhà máy tồn kho có số ngày vận hành tương đương hai tháng trở lên như Fomosa Hà Tĩnh, Nghi Sơn 2, Phả Lại 1…