Lời xin lỗi… gió bay

Trang Trần| 22/03/2023 12:52

Không hề ngoa khi ví lời xin lỗi của Dương Quang Tuấn chẳng bằng một chiếc lá khô đặt nơi đầu gió. Một lần, thêm một lần, rồi nhiều lần như thế… đến mức người thân của Tuấn cũng phải thốt lên đầy nghi ngại, liệu có được mấy thực tâm trong mỗi lời Tuấn nói ra?

Tính cả “tuổi mụ” năm nay Dương Quang Tuấn (SN 1984, trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chạm tuổi 40. Ở tuổi này phần lớn bạn bè Tuấn đều đã yên bề gia thất, Tuấn thì nhìn trước ngó sau cái gì cũng không có. Không nghề nghiệp, không vợ con, không tài sản… nhưng riêng sự “nổi tiếng” thì Tuấn lại có thừa.

Không chỉ ở chỗ Dương Quang Tuấn sống mà nhiều nơi khác đều biết đến “tiếng tăm” của anh ta. Ngặt một nỗi, Tuấn càng nổi tiếng theo cách đó bao nhiêu thì cha mẹ và người thân lại càng xấu hổ và đau lòng bấy nhiêu.

Chưa đến tuổi 14, Tuấn đã phải vào trại giáo dưỡng vì sự chơi ngông, muốn thể hiện bản thân. Không biết Tuấn nghĩ gì, chỉ biết rằng sau lần đó lý lịch xấu của anh ta ngày một đen và dày lên, vậy nên người ta mới nói Tuấn là người có “tiền án nhiều hơn tiền mặt”.

Trình độ học vấn? - 0/12 câu trả lời “cụt lủn” của Dương Quang Tuấn khi HĐXX hỏi khiến những người có mặt trong phòng xử vô cùng ngạc nhiên.

0/12- nghĩa là Tuấn không đi học và theo lý giải của Tuấn là không biết chữ. Tuấn giải thích thêm, gia đình khó khăn nên không đi học, vì vậy khi lớn lên cũng chẳng có nghề gì là chính thức.

Thực tế, Tuấn không muốn phải suốt ngày cắm đầu vào sách vở như bạn bè, cha mẹ quá bất lực nên mới có một Tuấn như hiện tại, không trường, không lớp chứ không phải vì quá nghèo mà Tuấn mất đi cơ hội đến trường như y nói.

Sau lần vào trại giáo dưỡng về, Dương Quang Tuấn bắt đầu sống “xõa” đúng nghĩa. Những lời cha mẹ, anh chị người thân khuyên đối với Tuấn chẳng khác gì “nước đổ lá khoai”, cho nên Tuấn cứ trượt dài từ sai lầm này đến sai lầm khác. Hôm nay, là một minh chứng bởi đây là lần thứ 6 Tuấn ra tòa.

Vụ án “Gây rối trật tự công cộng” có 3 bị cáo, cáo trạng dài chưa đầy 6 trang nhưng hơn 1 trang trong đó là thể hiện số tiền án, tiền sự của Tuấn. Vậy mới nói, hai từ “ngao ngán” dường như vẫn chưa đủ để diễn tả hết được những gì người khác muốn nghĩ về Tuấn.

Đáng nói, tại phiên tòa xét xử hôm nay vẫn thấy một Dương Quang Tuấn điềm nhiên, ráo hoảnh vô cùng khác người khi nói đến bản thân trong quá khứ cũng như hiện tại.

loi-xin-loi...-gio-bay.jpg
Cùng với 3 lần bị xử phạt hành chính, 1 lần vào trại giáo dưỡng thì đây là lần thứ 6 Dương Quang Tuấn vào tù.

Ai cũng nói Tuấn là người không có lương tâm, bởi vì Tuấn đã đối xử với cha mẹ của mình quá tệ. Hết lần này đến lần khác Tuấn vào tù, hết lần này đến lần khác Tuấn xin lỗi và hứa hẹn là lần cuối nhưng rồi Tuấn lại đặt lên cha mẹ thất vọng sau nhiều hơn thất vọng trước.

“Bị cáo không rút được bài học kinh nghiệm gì cho bản thân sau những lần sai phạm trước đó hay sao?”, “Bị cáo nghĩ xem mình đã có trách nhiệm của một người con đối với đấng sinh thành hay chưa?…”, sau mỗi câu hỏi của vị chủ tọa đặt ra, Tuấn chỉ cúi mặt im lặng không trả lời. Chỉ khi HĐXX đề nghị Tuấn trình bày quá trình phạm tội của mình trong vụ án này, Tuấn mới mở lời.

Theo đó, khoảng 20h30, ngày 19/2, sau khi ăn nhậu xong, Tuấn cùng với Lương Huỳnh Minh Trí (SN 1991, trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê), Huỳnh Quang Huy (SN 2001, trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê) và hai người bạn rủ nhau đi đánh bi-a.

Khi đi đến khu vực giao nhau giữa đường bộ và đường sắt trên đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thì gác chắn đang đóng chờ tàu qua.

Dương Quang Tuấn đi vào gần nơi gác chắn cố định của đường sắt để đi tiểu thì chị Võ Thị Thùy Trinh (nhân viên gác chắn đường sắt) nhắc nhở. Tuấn thấy khó chịu trước lời nhắc của chị Trinh nên đã chửi bới, yêu cầu mở chắn cho đi qua đường sắt, rồi Tuấn đi vào phía trong gác chắn đánh nhiều cái vào vùng đầu chị Trinh.

Lúc tàu hỏa vừa chạy qua, do bị Tuấn cản trở nên chị Trinh đẩy Tuấn ra để kéo gác chắn cho phương tiện lưu thông. Ngồi trên xe máy của bạn đi qua gần hết đường sắt, Tuấn nhảy xuống gây gổ, đuổi đánh chị Đặng Thị Minh Nguyệt cũng là nhân viên gác chắn đường sắt… Thấy vậy, Trí và Huy tiếp trợ Tuấn bằng cách dùng tay, chân liên tục đánh, đá vào người anh Nguyễn Văn Chuyển (chồng chị Nguyệt) khi anh Chuyển can ngăn.

Lý giải cho hành vi của mình Tuấn trước sau vẫn một lời “bị cáo quá say nên không nhớ gì, khi Công an đến nhà yêu cầu làm việc bị cáo vẫn không biết”. Tuấn nói, đêm đó nhóm bạn uống hết hai thùng bia, thời điểm đi đến gác chắn lại có nhu cầu đi tiểu nhưng bị nhắc nhở, không kiềm chế được mà ra tay hành hung hai nữ nhân viên. Còn quá trình đó, Tuấn không nhớ mình đã nói gì và làm những gì.

Hôm nay, một lần nữa Tuấn lại nói lời xin lỗi. Không nói ra nhưng có lẽ đối với người thân lời xin lỗi của Tuấn họ đã nghe đến nhàm tai. Đến mức, họ phải hoài nghi rằng không biết đến bao giờ Tuấn mới có một “lần cuối” đúng nghĩa.

Ai có thể không quan tâm nhưng người thân của Tuấn thì dù có giận, có buồn đau, có thất vọng đến mấy vẫn luôn ở bên, vẫn luôn cho Tuấn thêm cơ hội để sửa sai. Với họ điều chờ mong nhất đó là sau lần này Tuấn hãy sống có trách nhiệm với bản thân để ngăn lại sự đau lòng của những người khác.

Sau những phân tích của HĐXX, Tuấn, Trí và Huy đều nhận ra hành vi sai trái của mình, trong lời nói sau cùng các bị cáo chân thành xin lỗi bị hại và mong HĐXX xem xét tuyên các bị cáo mức án thấp nhất để sớm trở về với gia đình.

HĐXX nhận định, hành vi của Dương Quang Tuấn, Lương Huỳnh Minh Trí, Huỳnh Quang Huy là manh động, côn đồ, nguy hiểm cho xã hội, coi thường pháp luật, xảy ra tại thời điểm tàu hỏa vừa chạy qua, trong giờ cao điểm, xe cộ lưu thông trên tuyến đường này rất đông; người dân hiếu kỳ tập trung lại nên gây náo loạn, làm ách tắc giao thông, gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an tòa xã hội và gây xôn xao dư luận.

Các bị cáo vì lý do vô cớ, hung hãn, hành hung người khác tại nơi công cộng thể hiện ý thức coi thường pháp luật nên thuộc trường hợp phạm tội có tính chất côn đồ. Riêng bị can Tuấn có 2 tiền án vào các năm 2006 và 2007 chưa được xóa án tích nên lần phạm tội này thuộc trường hợp tái phạm, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Quá trình xét hỏi, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đồng đã tác động gia đình tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả cho chị Võ Thị Thùy Trinh, Đặng Thị Minh Nguyệt và anh Nguyễn Văn Chuyển. Bị cáo Trí và Huy phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Riêng Trí từng tham gia nghĩa vụ quân sự nên được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Vì những phút thiếu tỉnh táo các bị cáo đã phải trả giá bằng năm tháng tù tội, Trí mất 2 năm và Huy mất 2 năm 3 tháng để sửa sai. Riêng Tuấn, lần này phải mất thêm 4 năm để biết được đây có đúng là lời xin lỗi cho lần phạm tội cuối cùng như Tuấn đã hứa hẹn với người thân lúc vãn tòa hay không. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời xin lỗi… gió bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO